Thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh Tiền Giang và Quy chế tiếp công dân, huyện Gò Công Tây đã tập trung chỉ đạo các ngành, UBND các xã và thị trấn cùng phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của công dân. Từ huyện đến cơ sở đều duy trì tốt chế độ thường trực để tiếp công dân, tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại với công dân trên quan điểm không chỉ khi giải quyết vụ việc, mà phải thực hiện ngay trong quá trình triển khai công việc đối với Nhân dân. Trong quá trình giải quyết, huyện luôn quan tâm xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích, bản chất vụ việc; bàn bạc dân chủ để định hướng giải pháp xử lý. Nội dung tiếp công dân của UBND huyện, các xã, thị trấn tập trung vào một số vấn đề được người dân quan tâm, như: Giải quyết các tranh chấp về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, kiến nghị về chế độ chính sách xã hội… Thông qua tiếp công dân, lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các xã đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân, từ đó chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng”... Chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng lên, từ đó hạn chế đơn thư vượt cấp và hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với việc thực hiện quy định về đối thoại, tiếp công dân, để nâng cao nhận thức pháp luật của công dân, hằng năm, UBND huyện Gò Công Tây đã xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến tiếp công dân. Đồng thời, UBND huyện Gò Công Tây cũng tăng cường đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và xử lý nghiêm những vi phạm. UBND huyện còn phối hợp tổ chức hơn 125 cuộc gặp gỡ tiếp xúc với Nhân dân lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với Nhân dân và Doanh nghiệp trên địa bàn huyện (PAPI) thông qua hoạt động gần gũi với người dân kịp thời lắng nghe người dân và giải quyết các ý kiến kiến nghị của người dân ngay tại cơ sở cũng góp phần lớn trong việc nắm bắt tình hình tại cơ sở.
Trong 10 năm qua, tại trụ sở tiếp dân UBND huyện và UBND các xã – thị trấn trên địa bàn huyện đã tiếp hơn 350 lượt người với 250 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Kết quả, 100% đơn phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền được giải quyết. Có thể thấy, để có được kết quả đó là do cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn xác định nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm, tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định; hạn chế tình trạng phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp, đông người, vượt cấp, kéo dài góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị, xã hội trên địa bàn huyện.
Ngành Thanh tra huyện Gò Công Tây đã luôn chủ động, làm tốt vai trò tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo và đạt được những kết quả tích cực. Trong công tác phối hợp giữa Thanh tra huyện, cơ quan đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn với các cơ quan đơn vị được liên hệ gắn bó, chặt chẽ. Do vậy các đơn thư khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị, xã hội ở địa phương.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền huyện Gò Công Tây tiếp tục quan tâm tổ chức đối thoại và giải quyết tốt khiếu nại tố cáo các vụ việc ngay ở cơ sở, nhằm hạn chế khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật, nhất là trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện của công dân. Bên cạnh đó, cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản luật về đất đai, chính sách xã hội, để người dân hiểu, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Tác giả bài viết: Kim Lan