Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Nhựt truyền thông về chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình

Thứ năm - 08/09/2022 07:18
Chiều ngày 06/9/2022, tại hội trường UBND xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Nhựt phối hợp với Quỹ Mom tổ chức buổi truyền thông về chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Đến dự buổi truyền thông có đồng chí Ngô Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, đại diện Quỹ Mom cùng 40 hội viên phụ nữ của các ấp trên địa bàn xã.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Nhựt  truyền thông về chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình

Khi đời sống xã hội hiện nay thì không thể phủ nhận rằng vật dụng bằng nhựa đã mang lại nhiều tiện lợi trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay hệ quả là con người đang phải chịu nhiều phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần. Sau khi sử dụng tất cả các loại rác thải nhựa không được phân loại mà tập kết hết về các khu xử lý rác hoặc chôn lấp gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với môi trường.

Rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon... là các vật dụng này đa phần được tổng hợp từ chất hóa học vô cơ (nhựa PE). Rác thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Khi đốt từ rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, là nguyên nhân gây ra ung thư,… Trong một số loại túi nilon có thể lẫn chất lưu huỳnh, dầu hỏa, nên khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric gây ra mưa axit rất nguy hiểm. Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, chất dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi vào đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, rác thải nhựa có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi sống trong nước. Rác thải nhựa trong tự nhiên sẽ phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy hoàn toàn. Chính vì vậy, khi rác thải nhựa tích tụ quá nhiều trong môi trường sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng, ảnh hưởng rất lớn đến các loài vi sinh vật, động vật và con người.

Qua buổi truyền thông, các chị hiểu rõ hơn tác hại của rác thải nhựa từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực trong gia đình. Cụ thể, sau khi sử dụng xong các loại chai nhựa có thể thu gom lại để bán hoặc tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát… ngoài ra, còn có thể làm đồ trang trí như đồ cắm bút, chậu hoa,… Tuy nhiên lưu ý là vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… thì tuyệt đối không nên tái sử dụng, đối với các loại này thì cần được thu gom vào một túi riêng giao cho bộ phận quản lý môi trường xử lý theo quy trình riêng. Người dân cần thay đổi thói quen mua sắm trong sinh hoạt, làm việc và lao động thường ngày. Nên nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, túi ni-lông…đồng thời thay thế các sản phẩm nhựa bằng việc sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường./.

Tác giả bài viết: Tuyết Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây