Xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học,... của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đặc trưng của nền quốc phòng toàn dân: Nền quốc phòng toàn dân có mục đích duy nhất là tự vệ chính đáng; là nền quốc phòng vì dân, của dân và do toàn thể nhân dân tiến hành; là nền quốc phòng có sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành; là nền quốc phòng toàn dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại; là nền quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với nền an ninh nhân dân.
Mục đích xây dựng nền quốc phòng toàn dân là tạo sức mạnh tổng hợp của đất nước về cả chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ để giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Tạo thế chủ động cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Nội dung cốt lõi của xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng tiềm lực quốc phòng (gồm: tiềm lực chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực khoa học, công nghệ; tiềm lực quân sự); xây dựng lực lượng quốc phòng (gồm lực lượng toàn dân (lực lượng chính trị) và lực lượng vũ trang nhân dân); xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (đó là việc “tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến”).
Nội dung cụ thể xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: (1) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh; (2) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc; (3) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước; (4) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng; (5) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước; (6) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước; Đối ngoại quốc phòng; (7) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại; Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; (8) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy