Huyện Gò Công Tây có diện tích tự nhiên 180,173 km2, với dân số trên 163.000 nhân khẩu được chia làm 13 đơn vị hành chính cấp xã (12 xã, 01 thị trấn), trong đó 60% dân số sống chủ yếu vào nghề nông, chưa có điều kiện nhiều về tiếp cận công nghệ thông tin. Với đặc điểm tình hình dân cư, xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực hiện các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, bước đầu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Trong 06 tháng đầu năm 2024 triển khai thực hiện Đề án 06, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các mô hình điểm nhằm đẩy mạnh các nhiệm vụ Đề án 06. Tập trung giải quyết những nhiệm vụ còn tồn đọng của năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ năm 2024,
Huyện cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh xã hội, thông tin người lao động, cập nhật làm sạch thông tin hội viên các Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và Hội Chữ thập đỏ, cập nhật đầy đủ thông tin thường trú của học sinh đến độ tuổi xét ưu tiên phục vụ các kỳ thi. Trong 6 tháng đầu năm tiếp tục triển khai “làm giàu” dữ liệu trên DC01 mở rộng, cụ thể cập nhật thông tin định danh phương tiện giao thông, người nộp thuế và dữ liệu phạm nhân C10, tiếp tục triển khai thực hiện cập nhật thông tin đối tượng hưởng lương hưu trong thời gian khai thực hiện cập nhật thông tin đối tượng hưởng lương hưu trong thời gian tới. Tiếp tục duy trì thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID; đẩy mạnh hướng dẫn công dân nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện số hóa kết quả các thủ tục hành chính đã giải quyết, làm sạch dữ liệu ngành, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch dân sự.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công, sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tổ chức cấp Căn cước công dân, thu nhận tài khoản định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư. Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 10/5/2023 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trên địa bàn huyện. Thực hiện ra mắt mô hình điểm "Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Công an các xã, thị trấn", tính đến nay đã ra mắt được 29 điểm hướng dẫn đăng ký và thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại các ấp, khu phố.
Hiện nay, huyện Gò Công Tây đã và đang tổ chức thực hiện 18/25 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo đạt 100% hồ sơ đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ theo dõi, giám sát, đánh giá. Các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đảm bảo đúng tiêu chí mức độ, không có tình trạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình mà vẫn yêu cầu người dân mang hồ sơ gốc lên cơ quan tiếp nhận để đối chiếu hồ sơ và nhận kết quả. Đối với 18 /25 dịch vụ công theo Đề án 06 huyện: Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện đã tiếp nhận, giải quyết 20.284/25.302 hồ sơ, đạt 80,17%. Tuy nhiên, Huyện Gò Công Tây chủ yếu là lao động ở nông thôn, việc tiếp cận lĩnh vực công nghệ vẫn còn hạn chế. Qua công tác tuyên truyền, đa số người dân đã tạo được tài khoản dịch vụ công nhưng thao tác chưa thành thạo, nhiều công dân sử dụng điện thoại không có chức năng truy cập Internet nên tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công chưa đạt chỉ tiêu do Công an tỉnh giao. Với mật độ dân số trên 160 nghìn dân thì tỷ lệ sử dụng dịch vụ công hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả số hóa dữ liệu ngành thuộc phạm vi quản lý: Các Ngân hàng tiếp tục triển khai việc quét mã QRCode gắn trên thẻ Căn cước công dân và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để xác thực thông tin khách hàng, chống giả mạo trong giao dịch tài chính. Chi cục Thuế khu vực Gò Công Tây - Chợ Gạo triển khai ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động để cung cấp chức năng về nộp thuế điện tử, đăng ký giao dịch thuế điện tử, tra cứu thông tin, nghĩa vụ thuế, thông báo thuế. Lũy kế từ khi triển khai thực hiện đến nay được 1.779 cá nhân trên địa bàn huyện đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử. Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt. Đến nay hiện có 24/24 đơn vị áp dụng, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 18.252 giao dịch phát sinh với số tiền 12.609.649.614 đồng). Trung tâm Y tế huyện tiếp tục thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân phải sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, hiện có 14/14 cơ sở áp dụng (đạt 100%), công dân dùng thẻ Căn cước công dân khám chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế lũy kế từ khi thực hiện đến nay được 165.429/291.297 trường hợp, đạt 56,79%. Bảo hiểm xã hội cập nhật CCCD đến nay là 102.751/103.301 người đạt 99,5% số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN do BHXH huyện quản lý. Phòng Lao động, Thương binh và xã hội: Tiếp tục thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Số liệu đã chi trả kể từ khi triển khai đến nay 2.761 đối tượng đã được chi trả (đạt 35, 86% so với 7.698 tổng số đối tượng cần phải chi trả) với số tiền lũy kế là 1.508.760.000 đồng. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và sự hợp tác, chia sẻ, tham gia của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đề án 06 và lãnh đạo UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an tại các kỳ họp giao ban định kỳ tháng; Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 29/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024. Các địa phương tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ số cộng đồng, phải lựa chọn những người thật sự nhiệt tình, trách nhiệm, nắm rõ công nghệ thông tin. Tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền Đề án 06, trong đó, tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công quốc gia bằng nhiều hình thức (qua báo, đài, mạng xã hội, Bộ phận Một cửa các cấp...), tiện ích của tài khoản định danh điện tử, việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong khám chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu và dễ dàng thực hiện để tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, đăng ký tài khoản định danh điện tử, dùng thẻ Căn cước công dân khi khám, chữa bệnh....
Tác giả bài viết: Kim Lan