Từ ý tưởng này, mô hình “Người dân tự quản về an ninh trật tự” được ra đời. Tại huyện Gò Công Tây, Khu dân cư Tuyến đường Đal ấp Lợi An, xã Bình Tân có chiều dài 1.300 mét, hai bên đường có 63 hộ dân sinh sống. Trước đây tại khu dân cư dọc theo tuyến đường này thường xảy ra trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy và cờ bạc vốn là một địa bàn thuộc điểm nóng của xã. Công an huyện Gò Công Tây đã khảo sát, thống nhất với Đảng ủy, UBND xã Bình Tân chọn khu dân cư này xây dựng mô hình “Người dân tự quản về an ninh trật tự”. Mô hình xuất phát từ ý tưởng xây dựng từ một khu dân cư phải đảm bảo an toàn, nơi đó người dân phải chủ động làm chủ mọi mặt về an ninh trật tự theo phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải”, từ đó người dân an tâm, chăm lo phát triển đời sống kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng tôn tạo cảnh quan môi trường khu dân cư nơi mình sinh sống ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Một khu dân cư an toàn về an ninh trật tự đòi hỏi phải có một đội ngũ con người nòng cốt trong khu dân cư có tâm huyết, có uy tín, yêu thích công tác xã hội, có tấm lòng vì mọi người để từ đó cùng nhau phối hợp quyết tâm chăm lo, lan tỏa những hoạt động tích cực đến với người dân trong khu dân cư cùng hiểu, đồng lòng tự nguyện tự giác cùng tham gia xây dựng Khu dân cư thật sự đảm bảo an toàn về an ninh trật tự. Đây quả thật là một vấn đề quan trọng để quyết định sự thành bại của khu dân cư an toàn ANTT. Ngoài ra, một Khu dân cư tự phòng, tự quản phải có một bảng quy ước đề ra nhất định để làm định hướng cho tất cả người dân trong Khu dân cư cùng thực hiện, người dân chấp hành theo các nội dung quy định của quy ước đề ra. Mọi hành vi vi phạm quy ước đều sẽ được đưa ra kiểm điểm, nhắc nhở trước tập thể để khắc phục, sửa chữa. bảng quy ước ấp được viết thành nhiều bảng đặt ở các nơi dễ nhìn thấy như nhắc nhở người dân thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, chấp hành tốt theo các nội dung quy ước đã đưa ra cụ thể như: Thanh niên không tụ tập đêm khuya, không nhậu say, gây rối trật tự, không chạy xe nẹt pô,….Quy ước này còn được thường xuyên quan tâm lấy ý kiến đóng góp, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế của khu dân cư. Cùng với đó, để đảm bảo tính thực thi của quy ước thì phải có lực lượng an ninh khu dân cư am hiểu tường tận địa bàn, thân thiện, gần gũi với nhân dân, kiên quyết khôn khéo đấu tranh với tội phạm. Lực lượng an ninh khu dân cư thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định khu dân cư, cập nhật tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vận động người dân tham gia các mô hình phòng chống tội phạm có hiệu quả để phòng ngừa vi phạm pháp luật xảy ra và làm cơ sở để xử lý khi có vi phạm xảy ra. Trên cơ sở đó, mô hình Người dân tự quản về ANTT tại xã Bình Tân đã ra đời trong suốt 1 năm qua và đã nhận được sự quan tâm, tin tưởng cũng như sự kỳ vọng về tính hiệu quả lâu dài, sự đổi thay tích cực khi mô hình đi vào hoạt động ổn định. Theo Ban Chỉ huy Công an huyện Gò Công Tây cho biết: sau nhiều đợt ngẫu nhiên xuống khảo sát mô hình, thật bất ngờ khi thấy người dân tham gia các cuộc hội họp đông đủ, tích cực tham gia xây dựng bộ mặt cảnh quan khu dân cư ngày một bừng sáng lên, tuyến đường giao thông ngập úng nước mỗi khi mùa mưa đến năm nào giờ đây người dân tự bỏ kinh phí, tự tham gia đóng góp ngày công cùng mua vật liệu xây dựng về sửa chữa nâng cấp cao ráo, khang trang, cả tuyến đường nhà nào cũng ưa thích trồng các loại hoa, cây xanh trước lề đường, sân nhà trang trí cây kiểng tươi tốt ngăn nắp. Nhiều người dân còn thường xuyên chăm sóc chỉnh trang cả ngôi nhà để làm đẹp nơi mình sinh sống hẳn lên so với trước kia. Hình ảnh các dì, các chị chiều chiều trời mát ra trước đường đal ngồi nhổ cỏ, chăm sóc hoa có ý nghĩa biết bao, những cây hoa chiều tím, hoa dừa cạn trổ hoa xanh tốt đó là nhờ công lao cần cù chịu khó tưới nước, nhổ cỏ bón phân của người dân nơi đây. Nhà nào cũng có thành viên tham gia Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên nên ai ai cũng muốn đóng góp công sức để xây dựng cảnh quan khu vực mình sinh sống sạch đẹp, an ninh. Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản, cờ bạc giảm rõ rệt, tội phạm liên quan ma túy thường xuyên được quan tâm. Chị Bùi Bích Hợp- sinh năm 1974 có nhà khuất sâu trong đường nhánh của Tuyến đường Đal Lợi An- nhà chị bán quán nước giải khát, lúc trước quán chị do địa hình mát mẻ có tán cây che khuất nên các băng nhóm đá gà, cờ bạc hay vào chơi. Rồi từ khi thành lập mô hình tại khu dân cư, chị được các đồng chí cán bộ công an xã mời lên giải thích tường tận về trách nhiệm khi để các hoạt động vi phạm ANTT diễn ra tại quán sau đó cho ký cam kết không vi phạm, kể từ đó, chị đã hiểu và đã nói không với việc cho các đối tượng có hành vi cờ bạc đến quán nước. Từ đó cũng đã góp phần thực hiện tốt việc giữ gìn ANTT cho địa bàn khu dân cư. Bà con nhân dân trong xóm, các thành viên tổ nòng cốt an ninh cũng thường xuyên quan tâm đến các đối tượng để kịp thời phát hiện xử lý. Hoặc như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Đồng- sinh năm 1982, trước kia do chưa hiểu hết ý nghĩa của phong trào giữ gìn ANTT, anh thường xuyên mở nhạc bắt loa hát ầm ầm vang cả xóm gây phiền phức cho bà con chòm xóm. Từ khi thực hiện mô hình, anh cũng được mời đến tuyên truyền nhắc nhở ký cam kết, anh cũng hiểu tình cảm quý mến của bà con, của cán bộ chính quyền dành cho mình, nên anh tự giác thay đổi chấp hành không mở loa lớn, chơi hát nhạc có giờ giấc…anh còn tham gia vào mô hình người dân phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình. Mới đây, Hội LHPN xã tổ chức truyền thông về ý nghĩa của phân loại, xử lý rác thải tại nhà, có dịp gặp lại anh Đồng và chị Hợp đi họp nghe tuyên truyền phân loại xử lý rác, ai ai cũng vui vẻ, hớn hở khi được nghe tuyên truyền ý nghĩa lợi ích của việc thực hiện phân loại, xử lý rác, tan họp ra về, mỗi người trên tay ai nấy đều nhận được 2 thùng rác có dán nhãn hướng dẫn phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ. Sự quan tâm, gần gũi, hòa đồng, tình cảm chân tình của bà con chòm xóm đã kéo gần mọi khoảng cách người dân lại với nhau. Khi được cán bộ hỏi thăm động viên cả hai anh, chị đều vui vẻ hứa cam kết sẽ chấp hành tốt các quy định của pháp luật để góp phần cùng địa phương xây dựng Khu dân cư nơi mình sinh sống thật sự an toàn, an ninh, văn minh, hiện đại.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Bình Tân đã tiến hành điều tra đặc điểm, tình hình nổi lên trong khu dân cư để có biện pháp tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình và lên danh sách các tụ điểm phức tạp về ANTT. Ban Chỉ đạo xã Bình Tân cụ thể hóa 6 bước xây dựng mô hình và 100% hộ dân trong khu dân cư cam kết thực hiện. Ban Chỉ đạo xã còn tổ chức thực hiện song song mô hình “Camera phòng, chống tội phạm” và “Tiếng chuông an ninh kết hợp cổng rào phòng, chống tội phạm” tại khu dân cư để giám sát, kịp thời xử lý đối tượng nghi vấn, vụ việc xảy ra.
Được sự đồng tình và ủng hộ từ người dân, qua một năm triển khai mô hình “Người dân tự quản về ANTT” tại Khu dân cư Tuyến đường đal Lợi An đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong công tác tấn công, trấn áp tội phạm, Công an xã phát hiện một trường hợp dương tính với chất ma túy và đã đưa đi cai nghiện bắt buộc; lập hồ sơ xử lý 5 đối tượng về hành vi đánh bạc và cho cam kết không tái phạm. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xã Bình Tân và người dân tình nguyện tham gia đã hòa giải thành công 2 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; vận động giao nộp 2 dao tự chế; tổ chức tuần tra, nhắc nhở 8 trường hợp để xe không người trông giữ và giải tán nhóm thanh niên tụ tập đêm khuya. Người dân và các nhà hảo tâm đã đóng góp lắp đặt 10 camera an ninh, 4 chuông an ninh kết hợp với cổng rào phòng, chống tội phạm tại các ngõ ra vào khu dân cư. Thông qua nhóm Zalo “An ninh tự quản”, các thành viên tham gia là người dân trong khu dân cư kịp thời cung cấp thông tin cũng như trao đổi với chính quyền địa phương, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh trật tự ngay tại cơ sở.
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, Người dân trong mô hình đã nêu cao ý thức tự quản, chấp hành nghiêm quy định pháp luật cùng với chính quyền địa phương xây dựng, giữ gìn cảnh quang môi trường xanh, sạch, đẹp và ủng hộ kinh phí củng cố, nâng chất mô hình ngày càng hoàn thiện và sẽ nhân rộng ra toàn xã. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm đến người dân trong mô hình, các hộ có nguy cơ bị tội phạm tấn công và có người thân phạm tội cũng thường xuyên được lực lượng chức năng quan tâm thăm hỏi, động viên, nhắc nhở cam kết không vi phạm, tái phạm. Tinh thần cảnh giác tội phạm, đoàn kết của người dân trong mô hình ngày một nâng cao. Tình làng nghĩa xóm không ngừng được thắt chặt, ai có chuyện gì khó khăn hay có đối tượng lạ mặt vào khu dân cư đều nhanh chóng được cảnh giác. Nhìn chung, qua thời gian triển khai thực hiện mô hình đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, từng bước thực hiện tốt quyền làm chủ trong công tác đảm bảo ANTT và quyết tâm cùng với chính quyền địa phương xây dựng mô hình đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo ANTT trong khu dân cư trong toàn huyện thời gian tới đây.
Tác giả bài viết: Kim Lan