Banner 30-4-2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Công Tây qua 20 năm tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”

Thứ hai - 03/04/2023 08:26

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc"; Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18/11) đảm bảo trang trọng, thiết thực và hiệu quả trên toàn địa bàn huyện. Ngày hội thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị của toàn dân, khơi dậy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đến các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các chi đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện thực hiện; phân công cán bộ phụ trách các khu dân cư theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức Ngày hội và tham dự Ngày hội tại khu dân cư. Trong 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc huyện đã ban hành 48 văn bản có liên quan để hướng dẫn, tổ chức triển khai, đôn đốc phối hợp thực hiện việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (20 kế hoạch tổ chức Ngày hội, Lịch tổ chức Ngày hội, 14 Hướng dẫn và 14 Công văn). Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tập trung tạo mọi điều kiện cho 100% khu dân cư trong huyện tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với 1.320 lượt và có hơn 96.211 lượt người dân dự; nhiều hoạt động phong phú với những nội dung, hình thức phù hợp tình hình thực tế của mỗi địa bàn ấp, khu phố.

Hàng năm, dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức trang trọng với cả phần lễ và phần hội. Các đại biểu tham dự và nhân dân ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của địa phương; thông tin báo cáo kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; đánh giá kết quả việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đưa các nội dung an ninh trật tự, phân loại và xử lý rác tại nguồn; thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới của từng giai đoạn vào chương trình, kế hoạch và Qui ước ấp, khu phố; Tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp, khu phố.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với các hoạt động văn hóa, văn nghệ múa lân, đờn ca tài tử, hội thi hát về quê hương đất nước, các trò chơi dân gian tạo sinh khí vui tươi, tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau ở khu dân cư. Tại các điểm tổ chức Ngày hội, tất cả Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp tổ chức trang trí bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, chưng mâm ngũ quả; làm cổng chào, cờ phướn, băng rôn - khẩu hiệu chào mừng Ngày hội, có bố trí đầy đủ bàn ghế, trà nước phục vụ đại biểu và nhân dân. Tuyên truyền nhân dân tự giác treo cờ Tổ quốc tại hộ gia đình; Hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở cũng tích cực tuyên truyền đưa tin về Ngày hội sâu rộng đến các khu dân cư tạo không khí đoàn kết, rộn ràng, vui tươi, phấn khởi trong Ngày hội.

 

Đ/c Phạm Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trao giấy khen của UBMTTQ tỉnh Tiền Giang cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM tại ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì


Nghĩa đồng bào trong cộng đồng dân cư cũng được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp tổ chức Ngày hội, được nhân lên mỗi năm thông qua những hoạt động san sẻ giữa các thành viên trong địa bàn dân cư với các gia đình khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững; chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp. Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi có gần 85% số khu dân cư cùng nhau tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết” gắn với các hoạt động thăm hỏi tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho các hộ nghèo, người già neo đơn, bệnh tật mỗi năm trên 1.300 phần, trị giá hơn 350.000.000 đồng; hỗ trợ đồng bào Miền Trung bị thiên tai lũ lụt, người dân của huyện bị hạn mặn, người bị ảnh hưởng dịch Covid-19, công tác phòng - chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trị giá hơn 31,2 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa và trao tặng 1.200 nhà “Đại đoàn kết” với kinh phí hơn 30,3 tỷ đồng. Thông qua ngày hội đã biểu dương, khen thưởng 671 tập thể và 28.958 cá nhân, tấm gương tiêu biểu trong thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.
 

Tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn


Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân hiến hơn 329.465 m2 đất làm đường nông thôn, 8.538 ngày công lao động, đóng góp kinh phí thi công 152 tuyến đường giao thông nông thôn với 51,549 tỷ đồng, 357 công trình nhà nước và nhân dân cùng làm với kinh phí đóng góp 49,837 tỷ đồng… Từ trong các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi…góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung của cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở. Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, hình thức, mở rộng hoạt động hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư, ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối giữa hệ thống chính trị với mọi tầng lớp nhân dân. Trong từng giai đoạn, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức Ngày hội. Công tác phối hợp hướng dẫn tổ chức Ngày hội ngày càng đảm bảo chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham dự Ngày hội, đến công tác xây dựng kịch bản tổ chức và hoạt động, bố trí lực lượng, sắp xếp thời gian phù hợp với mỗi khu dân cư; Ban Công tác Mặt trận cũng tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là thực hiện xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ngày càng được quan tâm, từng bước trẻ hóa, đa số trưởng thành từ cơ sở, có uy tín, trách nhiệm với nhân dân và có kinh nghiệm trong công tác vận động nên việc tham mưu, tổ chức Ngày hội ngày càng được nâng lên về chất, khắc phục dần những hạn chế trong công tác tổ chức Ngày hội.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh. Xác định Ngày hội là diễn đàn dân chủ hàng năm để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết với Nhân dân; dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trao đổi giải đáp những vấn đề được nhân dân quan tâm. Mặt trận Tổ quốc cấp xã đã chủ động xây dựng kế hoạch mời các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Theo đó, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã gương mẫu và dành nhiều thời gian tham dự Ngày hội với nhân dân, xem đây là giải pháp tích cực để gần dân, nắm bắt tình hình cơ sở, qua đó có những chủ trương, quyết sách cũng như có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nhu cầu của địa phương, của nhân dân ở cơ sở. Trong 20 năm tổ chức Ngày hội đã có 01 lượt các đồng lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 04 lượt lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 118 lượt lãnh đạo huyện, 1.043 lượt lãnh đạo xã tham dự Ngày hội cùng chung vui, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân ở tại cơ sở, ở khu dân cư.

Ngày hội đã trở thành diễn đàn dân chủ, nhân dân được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến đóng góp cho cộng đồng dân cư, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương. 20 năm qua có hơn 3.136 ý kiến của nhân dân đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng tổ chức Ngày hội chưa thật sự đồng đều giữa các địa phương. Kinh phí cấp hỗ trợ cho hoạt động tổ chức Ngày hội còn hạn chế, nên đa phần Ban công tác Mặt trận tiết kiệm từ kinh phí hoạt động của khu dân cư để phục vụ. Năng lực tổ chức điều hành của Trưởng Ban công tác Mặt trận một số nơi còn lúng túng, nên các hoạt động của Ngày hội còn đơn điệu. Việc khen thưởng gia đình văn hóa, ấp - khu phố văn hóa chưa nhiều, chưa thật sự thúc đẩy phong trào. Việc huy động các tầng lớp nhân dân ở địa phương tham gia các cuộc vận động, các phong trào có lúc, có nơi còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến việc duy trì, phát huy hiệu quả các phong trào. Phần hội, việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chưa phong phú, số lượng người dân tham gia chưa nhiều do hạn chế về kinh phí tổ chức.

Từ những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện; Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong việc chủ động tham gia Ngày hội.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, khu dân cư để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải sớm chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày hội; kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, Mặt trận, các đoàn thể và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện xã hội hoá Ngày hội là những nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện Ngày hội đạt kết quả cao.

Thứ tư, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư về kỹ năng tổ chức Ngày hội.

Thứ năm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương, nhất là các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.

Để tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của dân cư trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sáng tạo của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc các cấp quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ Mặt trận các cấp về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Ngày hội; Hàng năm, Mặt trận tổ quốc từ huyện đến cơ sở cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thống nhất về nội dung, hình thức, kinh phí và thời gian tiến hành cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

Hai là, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chỉ đạo thống nhất giữa chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, xem đây là dịp để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân hăng hái phát triển sản xuất. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong việc vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia tổ chức, thực hiện tốt các nội dung của Ngày hội.

Ba là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sâu rộng, đa dạng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho người dân hiểu về truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về những kết quả đạt được trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy, nhân rộng các mô hình dân vận khéo thực hiện có hiệu quả; Kịp thời biểu dương những gương người tốt việc tốt trong việc thực hiện các mô hình dân vận khéo, các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở địa phương.

Bốn là, phát huy sự năng động, sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi mà tổ chức Ngày hội cho phù hợp; Lưu ý tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội để đảm bảo yêu cầu chung là vui tươi, phấn khởi, ngắn gọn nhưng trang trọng, hiệu quả, tránh phô trương hình thức; phần hội nên quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự.

Năm là, có kế hoạch tập huấn nội dung, cách thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp - khu phố cho cán bộ làm công tác Mặt trận, nhất là Trưởng ban công tác Mặt trận ấp - khu phố, góp phần cho sự thành công chung của Ngày hội; Tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, những người ở quê hương Gò Công Tây đang sinh sống, làm việc ở địa phương khác hướng về Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp - khu phố.

Sáu là, các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút những kinh nghiệm trong công tác tổ chức Ngày hội để phổ biến, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu cao tính tiền phong, gương mẫu tham dự đầy đủ, có trách nhiệm trong Ngày hội.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, xã, Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện đến cơ sở đã có sự tập trung cao, tích cực tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành tổ chức có hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội đã thể hiện được giá trị thiết thực trong đời sống xã hội, là cơ sở quan trọng trong việc động viên, quy tụ toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tạo sự đồng thuận xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Loan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn