Say mê nghiên cứu
Tiếp chúng tôi bằng sự chân tình mến khách. Ấn tượng đầu tiên về chị là vẻ thân thiện, cởi mở với nụ cười thường trực trên môi... Có lẽ nên bắt đầu bài viết về nữ kỹ sư nông nghiệp này theo cách như vậy!
Sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1997), chị lập gia đình và cùng chồng phát triển một số nghề sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, anh chị khá thành công với lĩnh vực sản xuất nhang sạch xuất khẩu, trung bình mỗi tháng xuất bán sang thị trường các nước Thái Lan, Malaysia… 150 tấn nhang. Ngoài ra, vợ chồng chị còn thực hiện liên kết sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm hộ gia đình.
Dù kinh doanh thuận lợi, nhưng chị kỹ sư nông nghiệp vẫn luôn ấp ủ ý tưởng thủa nào, đó là nghiên cứu mô hình nuôi cấy nấm ĐTHT, để đưa về sản xuất tại quê nhà. Tác dụng của loại dược phẩm này đã được khẳng định, nhưng vì khó tìm trong tự nhiên nên giá trị rất cao, người nghèo khó mà tiếp cận được.
Đó là điều thôi thúc chị Luôn tìm cách tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn giúp bảo vệ sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho cộng đồng.
Trong quá trình tìm tòi, học hỏi, tiếp cận với kỹ thuật khoa học ngày càng phát triển, chị mới nhận ra nấm ĐTHT là một loại nấm dược liệu cực quý hiện đã được nuôi trồng nhân tạo thành công trong nhà kín. Và như một sức hút kỳ lạ, ĐTHT đã đến với chị từ đó.
Năm 2016, chị cùng chồng bắt tay vào tìm hiểu thông tin trên internet và biết được một số nhà khoa học Việt Nam cũng như một số nước đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công ĐTHT trong phòng thí nghiệm. Từ đó, chị dành hết thời gian, công sức vào nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra quy trình nuôi cấy.
Ban đầu, kỹ sư Luôn phải thử nghiệm và thất bại rất nhiều lần. Không nản chí, với sự hỗ trợ về giống, tài liệu nghiên cứu của các thầy ở Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, chị đã từng bước thu được kết quả.
Chị Luôn chia sẻ, yếu tố quan trọng là phải điều chỉnh và kiểm soát các yếu tố của phòng nuôi cấy (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng…), cùng các thông số của nguyên liệu đầu vào (cơ chất) nhằm tạo ra thành phẩm (quả thể nấm) đạt chất lượng như mong muốn (hoạt chất ổn định, nấm có màu vàng cam, mềm, dai, cao từ 5 - 7 cm). Thời gian hoàn thành một chu kỳ nuôi cấy và thu hoạch quả thể nấm đạt yêu cầu từ 60 - 75 ngày.
Sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, kỹ sư Trần Thị Luôn đã nuôi cấy thành công ĐTHT và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng. Sau đó, vợ chồng chị thành lập Công ty TNHH ĐTHT Thiên Ân (Công ty Thiên Ân) và đưa vào nuôi trồng ĐTHT quy mô lớn tại huyện Gò Công Tây. Công ty đã đầu tư 34 phòng nuôi nấm và 3 phòng ủ tối cơ chất. Mỗi phòng nuôi có thể nuôi được 5.000 hộp phôi nấm, cuối đợt thu hoạch từ 45 - 50kg nấm quả thể (giá bán khoảng 4 triệu đồng/kg).
Kỹ sư Trần Thị Luôn cho biết: Các sản phẩm ĐTHT của Công ty Thiên Ân được Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh (Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận đảm bảo các chỉ tiêu về lý hóa, vi sinh. Đặc biệt, trong thành phần quả thể nấm và các dòng sản phẩm chế biến đều có chứa các axit amin thiết yếu cùng 2 hoạt chất quan trọng là Cordycepin và Adenosin rất tốt cho sức khỏe, nhất là tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư…
“Đông trùng hạ thảo từ xưa đã được biết là một loại dược thảo quý cho sức khỏe con người nhưng cực hiếm, vì thế việc sử dụng Đông trùng Hạ thảo đối với người thu nhập trung bình là không tưởng, xuất phát từ việc tìm mua Đông trùng Hạ thảo dùng cho người thân bị bệnh quá đắt và khó tìm được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôi đã đã có ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại địa phương mình”, chị Luôn chia sẻ.
Lan tỏa những giá trị vì sức khỏe cộng đồng
Bước tiếp theo để đưa nấm ĐTHT đến với người tiêu dùng là chế biến ra các sản phẩm làm từ loại dược liệu quý này. Công ty Thiên Ân đã nghiên cứu ra nhiều dòng sản phẩm từ nấm ĐTHT như: ĐTHT tươi, ĐTHT khô, nước ĐTHT đóng lon, ĐTHT chưng tổ yến, rượu, mật ong, nước sốt, bánh quy với ĐTHT… Trong đó, nước uống đóng chai, đóng lon, nấm ĐTHT tươi, nấm ĐTHT sấy khô của Thiên Ân hiện đã được các hệ thống siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Aeon và Tập đoàn Vingroup ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Ngoài ra, Công ty còn phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Năm 2020, các sản phẩm ĐTHT của Công ty Thiên Ân đã được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP “4 sao” của huyện Gò Công Tây; là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tiền Giang; đạt giải nhất cuộc thi “Sản phẩm nông sản tiêu biểu” tại Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm và Tuần hàng Việt... Cá nhân chị Trần Thị Luôn được UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng nhiều bằng khen. Đây là nền tảng để sản phẩm ĐTHT Thiên Ân trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung, là món quà giá trị cho các du khách.
Đa dạng hóa sản phẩm để ĐTHT Thiên Ân tiếp cận, đáp ứng mọi yêu cầu khách hàng từ ăn, uống, bồi bổ sức khỏe đến hỗ trợ điều trị bệnh là định hướng phát triển trong thời gian sắp tới của Thiên Ân.
Hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Công ty Thiên Ân đã tạo việc làm cho nhiều người lao động địa phương. Hiện Công ty Thiên Ân và cơ sở sản xuất nhang của chị Luôn đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động, với mức thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ, thu nhập từ 150 – 200 ngàn đồng/ngày công; đồng thời có điều kiện trong các các hoạt động từ thiện xã hội. Cùng với việc giúp cho nhiều người nghèo, người bệnh được sử dụng nguồn thực phẩm sạch, hỗ trợ sức khỏe với giá phải chăng, càng tô đậm những giá trị cộng đồng mà doanh nhân Trần Thị Luôn mang lại.
Tác giả bài viết: Kiều Tước Nguyên