Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang tổ chức lễ phát động Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao

Thứ sáu - 20/12/2024 00:13
Vào sáng ngày 19/12/2024, tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa long trọng tổ chức lễ phát động thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Các đại biểu tham quan trình diễn thực hành áp dụng cơ giới hóa gieo sạ bón phân bằng máy trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây.
Các đại biểu tham quan trình diễn thực hành áp dụng cơ giới hóa gieo sạ bón phân bằng máy trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây.
Tham dự lễ có ông Phạm Văn Trọng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Lê Thanh Tùng- nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu- Giảng viên Trường Đại học Tiền Giang, chuyên gia tư vấn Viện Nghiên cứu Lúa Gạo quốc tế, ông Trần Hoàng Nhật Nam- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, ông Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Thành phố Gò Công, huyện Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy…đại diện các Hợp tác xã tham gia tại các vùng sản xuất lúa trong Đề án và 100 hội viên nông dân trồng lúa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
 
nong nghiep go cong tay (2)


Tại chương trình lễ phát động, các đại biểu đã đến tham quan điểm trình diễn thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại cánh đồng lớn của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh xã Bình Tân, tham quan phương pháp sạ hàng bằng máy sạ, bón phân bằng máy phun thuốc, vừa tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp, lúa giống, vừa tiết kiệm công lao động…Các đại biểu đã được nghe đại diện Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế trình bày về nội dung, lợi ích, ý nghĩa của mô hình, phân tích đánh giá những hiệu quả cho nông dân hiểu, chung sức đồng lòng cùng tham gia vào đề án. Được sự hỗ trợ từ Đề án, ngay tại điểm trình diễn mô hình, đại biểu đã được tham quan thực tế máy sạ hàng và bón phân bằng máy phun tự động, đánh giá chung của các đại biểu và nông dân tham gia thực hiện mô hình đều phấn khởi khi tiết kiệm đáng kể được chi phí công lao động, chi phí lúa giống giảm, tiến hành áp dụng theo các nội dung cam kết hướng dẫn trong Đề án bà con nông dân vừa đạt năng suất chất lượng cao, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa hạn chế được dư lượng thuốc hóa học, từ đó giảm phát thải, gắn liền tăng trưởng xanh, bảo vệ được môi trường trong lành.
 
nong nghiep go cong tay (1)
Ông Phạm Văn Trọng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu triển khai các nội dung của Đề án tại buổi lễ phát động.

Tại lễ phát động, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã nhấn mạnh các nội dung thông tin của việc triển khai thực hiện Đề án canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại tỉnh Tiền Giang và định hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt lưu ý đề án này là hoàn toàn phù hợp và có ý nghĩa thiết thực trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, để có thể duy trì năng suất lúa lâu dài không bị suy giảm, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo làm ra, thì người nông dân cần phải mạnh dạn chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Để thực hiện tốt Đề án, ngành nông nghiệp cần chủ động, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như tiến hành khảo sát, xác định lại toàn bộ các diện tích lúa thuộc Đề án Một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp giai đoạn 2025-2030, từ đó có định hướng quan tâm, hỗ trợ tuyên truyền thực hiện hiệu quả các nội dung của đề án, như tăng cường áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu, quy trình xử lý rơm rạ, chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân, HTX, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyên canh, huy động tiếp cận nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các bon, các quỹ hỗ trợ khác để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành trong thực hiện Đề án. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rõ ràng, cụ thể, thường xuyên về chủ trương, chính sách và lợi ích của sự phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và chuỗi giá trị lúa gạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
 
nong nghiep go cong tay (5)
Ông Lê Văn Nê- UVBTVHU- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây phát biểu tại lễ phát động thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây cũng đã đại diện các địa phương trong triển khai thực hiện Đề án phát biểu cam kết hứa quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nội dung của Đề án. Trong đó, huyện Gò Công Tây tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2030 là 7.254/16.859 hộ tại 12 xã và thị trấn trong toàn huyện. Về canh tác bền vững theo Đề án, huyện sẽ chú trọng thực hiện giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ hecta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích trong Đề án đều áp dụng các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng…tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đạt trên 80% diện tích, về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: 100% lượng rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc xử lý để tái tạo dinh dưỡng cho đất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Tăng thu nhập người trồng lúa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và xuất khẩu lúa gạo.
 
nong nghiep go cong tay (4)
Ông Nguyễn Thanh Quang- Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh xã Bình Tân phát biểu cam kết thực hiện tốt các nội dung khi tham gia Đề án.

Tại lễ phát động các Công ty, Doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp tác liên kết sản xuất và thu mua với HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh và cam kết của đơn vị thực hiện Đề án thực hiện nghiêm túc các nội dung của Đề án đạt hiệu quả thiết thực từ đó tạo nền tảng để tiếp tục nhân rộng trong phạm vi toàn huyện.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây