Tiêu biểu như nghệ nhân Lê Tấn Bĩnh- ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công với cây mai nu chiếu thủy mặt khỉ, kiểng cổ đuôi lân, ông Bĩnh cũng đã mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu Nhà vườn mai chiếu thủy nu Gò Công đạt chất lượng cao của huyện Gò Công Tây và duy trì suốt thời gian qua. Trong năm 2024 này, ông vừa được ngành chức năng công nhận sản phẩm kiểng cổ mai nu chiếu thủy mai nu mặt khỉ, kiểng cổ đuôi lân của ông là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của huyện.
Bằng niềm đam mê yêu thích cây cảnh, nhận thấy giá trị lâu dài của các loại mai chiếu thủy nu, nghệ nhân Lê Tấn Bĩnh đã cải tạo diện tích đất vườn nhà gần 1 ha để đầu tư trồng khoảng hơn 1.000 cây kiểng cổ mai chiếu thủy nu Gò Công. Ông chọn loại mai nu mặt khỉ, có nu nhiều sần sùi có giá trị để gầy dựng chăm sóc tạo hình kiểng cổ. Được biết, trong những năm trước khi kinh tế thị trường còn sung túc, mỗi năm ông Bỉnh xuất bán ra thị trường các nơi hàng trăm cặp kiểng cổ mai nu với giá trung bình 20 triệu đồng/ 1 cặp, thu về gần 1 tỷ đồng. Có thu nhập ông lại tiếp tục đầu tư tái tạo lại vườn kiểng cổ để duy trì lâu dài. Hiện nay, do kinh tế thị trường có phần khó khăn, ngành hàng hoa kiểng cũng sụt giảm hơn trước, tuy nhiên ông Bĩnh vẫn kiên trì bám trụ với nghề trồng kiểng cổ để thỏa niềm đam mê của mình.
Với quyết tâm giữ vững giá trị, chất lượng của nhãn hiệu Mai chiếu thủy nu truyền thống của ông cha để lại, ông Lê Tấn Bĩnh người trồng mai chiếu thủy nu thâm niên trên 40 năm tại xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây đã bỏ công đi sưu tầm, lưu giữ và nhân giống đúng nguyên liệu cây mai chiếu thủy nu vùng đất Gò Công, nu nhiều, sần sùi, dáng cây khỏe, đẹp, tạo hình vào các thế có ý nghĩa được người chơi yêu thích. “Gia tài đồ sộ” của ông Lê Tấn Bĩnh hôm nay là vườn kiểng cổ đuôi lân Mai nu chiếu thủy hoành tráng với trên 1.000 cây kiểng cổ mai nu chiếu thủy đã thành hình được ông nâng niu chăm sóc, cắt tỉa tạo dáng đẹp theo các thế mẫu tử, tam tòng tứ đức…, cây phát triển mạnh, xanh tươi tốt tại nhà của ông khiến ai đi ngang qua lại cũng ngắm nhìn trầm trồ thích thú. Ngoài ra, ông Lê Tấn Bĩnh còn cùng với bạn bè trong ngành hàng kiểng cổ mai nu chiếu thủy giới thiệu sản phẩm của mình lên internet để kết nối, giao lưu, buôn bán, trao đổi với nghệ nhân, người chơi mai chiếu thủy nu trên khắp mọi miền đất nước. Vườn kiểng cổ mai nu đẹp, có giá trị vừa mang lại nguồn kinh tế cho người dân, vừa tạo nét đẹp cảnh quan môi trường, tạo mảng xanh cho địa phương.
Bằng sự sáng tạo, niềm đam mê, nhiều nhà vườn trồng mai chiếu thủy nu tại huyện Gò Công Tây đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ngoài việc bán mai chiếu thủy nu đã tạo hình, ông còn cho biết thêm, cây mai chiếu thủy nu khi đã tạo hình hoàn chỉnh theo nguyên tắc chơi kiểng cổ rất có giá trị, trung bình 01 cặp mai chiếu thủy nu đã thành hình theo các thế mẫu tử có giá khá cao từ 20 triệu đồng/1 cặp trở lên tùy kích cở lớn nhỏ, bộ đế (gốc) của cây càng đẹp thì cây càng độc đáo và có giá trị, cây mai nu chiếu thủy theo thế kiểng cổ có dáng vững chãi, lá xanh, bông trắng trổ đều thơm bát ngát còn đem lại tài lộc, may mắn cho người chơi mai chiếu thủy nu. Trồng mai chiếu thủy nu cũng không quá khó, người trồng chú ý từ khâu chọn cây nguyên liệu ban đầu cây phải khỏe, tới khâu nuôi dưỡng và tạo hình, tạo dáng cho cây. Cây mai chiếu thủy nu cũng dễ bị sâu bệnh, nên người trồng phải thường xuyên thăm vườn và phun xịt thuốc đặc trị sâu đục thân, các loại côn trùng hút nhựa trên thân cây cây mai. Ngoài ra, người trồng còn phải bón phân cân đối, chủ yếu thích hợp với các loại phân hữu cơ như xơ dừa, gốc dừa mục, tro trấu, phân bò, phân dê...vào mùa nắng thì cần đảm bảo chế độ nước tưới tiêu phù hợp tránh cho cây bị mất nước khô hạn.
Qua thời gian dài trồng mai chiếu thủy nu vừa cho nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, cơ sở trồng mai chiếu thủy nu của ông Lê Tấn Bĩnh xã Thạnh Nhựt còn là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho người dân trong ngoài xã cách trồng mai chiếu thủy nu và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cắt tỉa tạo hình mai nu cho những ai yêu thích nghề này. Thông qua niềm đam mê với hoa kiểng, nghệ nhân Lê Tấn Bĩnh đã đóng góp thêm phần công sức trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Tóm lại, nghề trồng mai nu truyền thống của người dân xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã và đang mang lại thu nhập ổn định, mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây. Hiện tại, vườn kiểng cổ mai chiếu thủy nu nhà ông Lê Tấn Bĩnh ước tính có trên 10.000 cây, vừa có cây thành hình và cây nguyên liệu để phục vụ cho nhu cầu buôn bán mai nu chiết nhánh của thương lái từ khắp nơi tìm đến đặt hàng.
Có thể nói, những tấm gương sáng về đam mê làm kinh tế giỏi tiêu biểu như ông Lê Tấn Bĩnh đã góp phần vào phong trào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu huyện Gò Công Tây ngày càng phát triển bền vững trong suốt thời gian qua, trong đó đã góp một phần công sức trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống từ cây mai chiếu thủy nu Gò Công trên vùng đất Gò Công Tây tiến đến xây dựng ra mắt làng nghề kiểng cổ tại xã Thạnh Nhựt trong thời gian tới đây.