HUYỆN ỦY GÒ CÔNG TÂYhttps://huyenuygocongtay.vn/uploads/logocobay.gif
Thứ sáu - 20/12/2024 09:44
Để góp phần ngăn chặn sự lây lan, tàn phá gây hại của dịch sâu đầu đen trên cây dừa trong thời gian hiện nay, ngoài việc tiến hành phun xịt thuốc trực tiếp lên các tàu lá dừa bị nhiễm và chặt bỏ, tiêu hủy các tàu lá bị nhiễm bệnh để han chế mầm bệnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây còn tích cực duy trì việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen tại huyện đồng thời đem phóng thích đến nay được hơn 500.000 con ong ký sinh ra các vườn dừa ngăn chặn sâu đầu đen hại dừa tại các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Trong tuần qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã ra quân thả 100.000 con ong ký sinh tại 5 ha vườn dừa của nông dân xã Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu,…Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen phát sinh mới, diện tích phục hồi dần tăng. Các diện tích vườn dừa nhiễm đã thực hiện các giải pháp phòng trừ có dấu hiệu phục hồi tốt; các diện tích nhiễm còn lại lây lan chậm, diện tích nhiễm nặng giảm dần.
Huyện ủy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp quan tâm chú trọng phối hợp với các địa phương vận động để người nông dân chủ động hơn nữa trong quản lý sâu đầu đen, cần thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện đối tượng sâu hại này và thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp đảm bảo quản lý hiệu quả phòng trừ. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tăng cường nhân nuôi ong ký sinh phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen và phân bổ đồng đều nguồn ong ký sinh giữa các xã để đảm bảo việc phòng trừ chung tăng mật số ong ký sinh bao phủ rộng trên các diện tích vườn dừa để tiêu diệt sâu đầu đen.
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết hiện tại khi mùa mưa kết thúc và bắt đầu bước vào mùa khô, sâu đầu đen hại dừa lại tiếp tục có điều kiện môi trường thuận lợi sinh trưởng, phát triển mạnh. Chính vì vậy, người dân tuyệt đối không nên chủ quan để bảo vệ vườn dừa, phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Ngành Nông nghiệp huyện tăng cường khuyến cáo người dân cần kiên trì áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen, như phun xịt, tiêu hủy các tàu dừa nhiễm bệnh, đăng ký thả ong ký sinh để bảo vệ vườn dừa đảm bảo cho năng suất ổn định. Đến thời điểm này, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp của ngành Nông nghiệp đưa ra trong việc phòng trừ sâu đầu đen vẫn còn giá trị rất cao. Đặc biệt, nhà vườn nên theo dõi vườn dừa và tiếp tục thả ong ký sinh để quản lý theo biện pháp sinh học vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn môi trường. Riêng đối với những vườn dừa đã áp dụng biện pháp quản lý sinh học thả ong ký sinh, bà con không nên phun thuốc trừ sâu nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững, tránh trường hợp diệt các loại thiên địch dễ gây bộc phát sâu đầu đen trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, việc phòng trừ sâu đầu đen chỉ đạt hiệu quả cao khi áp dụng trình tự và đồng bộ các biện pháp tổng hợp: trước tiên là biện pháp thủ công (cắt tỉa tàu lá bị nhiễm sâu đem tiêu hủy để giảm mật độ sâu và tạo điều kiện xử lý thuốc hiệu quả); kế đó là biện pháp hóa học (phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách theo khuyến cáo để diệt sâu) và cuối cùng là biện pháp sinh học (nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để diệt nhộng và sâu tuổi lớn).
Trong các biện pháp trên, biện pháp sinh học giữ vai trò rất quan trọng vì giúp cân bằng hệ sinh thái trên vườn dừa, hạn chế tình trạng tái phát dịch hại, quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dừa.