Huyện Gò Công Tây: Sơ kết đánh giá kết quả thí nghiệm mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022

Thứ ba - 02/08/2022 03:28
Sáng ngày 02/8/2022, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp ngành nông nghiệp huyện Gò Công Tây tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện thí nghiệm mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa vụ Hè thu năm 2022 tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.
Đoàn đi khảo sát mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022
Đoàn đi khảo sát mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022

Tham dự hội nghị có đồng chí Võ Thị Anh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, đồng chí Ngô Văn Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, đại diện cán bộ, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và 20 bà con nông dân trên địa bàn huyện.
 

so ket mo hinh lua thong minh xa thanh nhut huyen go cong tay 2

Nông dân tham dự hội nghị sơ kết mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa


Vụ lúa Hè Thu năm nay, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang hỗ trợ thực hiện thí nghiệm mô hình tiết kiệm phân bón trên 0,15 ha lúa Nàng Hoa 9, tại hộ ông Nguyễn Văn Hiển- ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt. Với lượng giống gieo sạ là 100kg (đã giảm bớt 20 kg so với ngoài mô hình), các loại phân bón được sử dụng như phân Ure, DAP, Kali Clorua. Hộ nông dân thực hiện thí nghiệm áp dụng mô hình tiết kiệm phân bón theo 5 thí nghiệm công thức giảm số lượng phân bón với các định lượng khác nhau như: 96 Ure-33 DAP-48 KCl; 90-40-30; 81-40-30;….Sau khi đoàn tiến hành đi thăm đồng để đánh giá, khảo sát chất lượng áp dụng định lượng tiết kiệm phân bón, dựa vào các chỉ tiêu năng suất, chất lượng cây lúa cho thấy việc giảm lượng phân bón ở định lượng vừa phải 90-40-30 hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của cây lúa, việc giảm lượng phân bón so với trước kia và đưa vào sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ còn giúp cho cây lúa đâm chồi đều, cho số bông lúa quyết định chất lượng ở giai đoạn trổ chín, suốt chu kỳ sinh trưởng cây lúa hoàn toàn khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Theo đánh giá, dù thực hiện mô hình trong mùa mưa, vụ lúa Hè Thu cũng bị ảnh hưởng đôi chút về lem lép hạt tuy nhiên không đáng kể, mô hình thí nghiệm sản xuất lúa tiết kiệm phân bón, giảm lượng giống gieo sạ vẫn đảm bảo năng suất chất lượng từ 6- 6,7 tấn/ha, với giá bán ổn định từ 7.000-7.200 đồng/kg.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thông qua việc thí nghiệm mô hình tiết kiệm phân bón trong sản xuất lúa nhằm làm thay đổi nhận thức của người trồng lúa trong việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, sạ thưa, bón phân cân đối và hợp lý hơn trước, người dân còn áp dụng IPM trong quản lý dịch hại. Lợi ích của thực hiện mô hình còn nhằm tiết kiệm chi phí giống, chi phí phân bón, không phun thuốc trừ sâu làm sạch môi trường, người nông dân áp dụng bón phân đúng chủng loại, đúng liều lượng và bón theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên tránh được tình trạng thất thoát lượng phân đạm, phát huy hiệu quả của phân bón giúp lúa đẻ nhánh sớm, tăng số chồi giúp cây cho năng suất cao.

Từ kết quả thí nghiệm của mô hình, ngành nông nghiệp đã có những đánh giá về lợi ích thiết thực để nhân rộng ra trong toàn huyện, tuyên truyền vận động người nông dân hiểu và áp dụng vào sản xuất lúa, tiết kiệm được chi phí, hạn chế sâu bệnh hại, xây dựng sản xuất phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây