Banner 30-4-2024

Huyện Gò Công Tây: Đánh giá mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng gắn kết với tiêu thụ sản phẩm

Thứ ba - 08/02/2022 20:31

Ngày 07/02/2022, tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo đánh giá tiến độ thực hiện các mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng gắn kết với tiêu thụ sản phẩm. Tham dự hội thảo đánh giá có đồng chí Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đồng chí Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đồng chí Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, đồng chí Ngô Văn Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đồng chí Mai Đức Tấn - Giám đốc Trung Tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.
Khảo sát thực tế mô hình trồng cây đậu nành tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh

Khảo sát thực tế mô hình trồng cây đậu nành tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh

Tham gia vào mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng có 02 hộ nông dân tiêu biểu tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh với 0,87 ha. Trong đó, tập trung sản xuất chủ yếu 03 loại cây màu gồm: cây đậu nành rau, cây bắp rau và cây bắp ngọt lấy hạt. Cả 3 loại cây màu được Công Ty Thabico hỗ trợ thu mua 100% sản phẩm sau thu hoạch. Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật hỗ trợ chi phí hạt giống và phân bón cho nông dân. Đến nay sau 62 ngày xuống giống, khi thăm đồng và đánh giá chung toàn bộ 03 loại cây màu trong mô hình đều cho năng suất, chất lượng cao, dự kiến sẽ thu hoạch vào ngày 10/02/2022. Nhìn chung cây bắp và cây đậu nành rất phù hợp với với vùng đất huyện Gò Công Tây, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa từ 30 đến 45 ngày nên rất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng hạn mặn trong thời gian gần đây. Ngành nông nghiệp đánh giá chung mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng gắn kết tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân, ước tính thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/ 1 công đất. Ngoài ra, các sản phẩm sau thu hoạch còn tận dụng làm thức ăn cho gia súc.

Đồng chí Mai Đức Tấn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây phấn khởi cho biết: Đây là lần đầu thử nghiệm mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng vào vụ Đông Xuân, ghi nhận các loại cây màu đều phát triển tốt, cho năng suất cao, được nông dân đồng tình ủng hộ. Hướng tới đây, ngành nông nghiệp huyện sẽ kết hợp đúc kết kinh nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây màu, chủ yếu 3 loại: bắp rau, đậu nành rau, bắp lấy hạt để nhân rộng trong toàn huyện.

Đồng chí Ngô Văn Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây cho biết thêm: qua theo dõi, đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế đối với mô hình cây màu so sánh với cây lúa trên cùng 1 đơn vị diện tích có sự chênh lệch rõ rệt, lãi từ 7 đến 8 triệu đồng, trong khi lúa chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng/ 1 công đất, người trồng màu không còn lo ngại tình trạng thiếu nước. Sản phẩm được Công ty hợp đồng thu mua, mở ra một hướng đi an toàn, ổn định cho bà con nông dân.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn