Cụ thể, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) là 5.393,322 tỷ đồng, tăng 4,65% so với cùng kỳ; trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,45%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 83 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán tỉnh giao. Diện tích nuôi thủy sản 650 ha, đạt 100% kế hoạch. Xây dựng Nông thôn mới có chuyển biến tích cực; 12 xã duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới; 2 xã Thạnh Nhựt và Long Vĩnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Vĩnh Bình duy trì đạt chuẩn đô thị văn minh. Chuẩn bị ra mắt huyện Nông thôn mới.
Bên cạnh đó, sản xuất cây lương thực có hạt đạt 124,93% so kế hoạch. Ngoài ra, huyện còn nhân rộng dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” tại 4 xã Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Long Bình, Bình Tân, quy mô 1.000 ha, nông dân được hỗ trợ 40% lúa giống, phân bón thông minh, vi sinh vật phân hủy rơm rạ và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả thực hiện mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn bên ngoài mô hình hơn 19 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình trồng cây thanh long của nông dân xã Đồng Sơn
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh, toàn huyện hiện có 35.000 con heo, đạt 116,67% kế hoạch; 32.664 con bò, đạt 114,61% kế hoạch; đàn gia cầm đạt 1.713.600 con, đạt 107% kế hoạch. Nhờ vậy, thu nhập người dân dần ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế của huyện…
Trong năm 2021, huyện Gò Công Tây đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đạt 125% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,67 triệu đồng, tăng 4,96% so năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,39%.
Tuy nhiên, huyện vẫn còn những khó khăn nhất định như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như Nghị quyết đề ra; cơ cấu kinh tế có chuyển dịch nhưng còn chậm; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tuy có tăng nhưng không nhiều; tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn ảnh hưởng do dịch Covid – 19 làm cho một số mặt hàng nông sản của huyện tiêu thụ gặp khó khăn; giá vật tư nông nghiệp tăng liên tục, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá đầu ra không ổn định gây lo lắng cho nông dân…
Đồng chí Huỳnh Thanh Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021 và khắc phục những yếu kém, hạn chế đã nêu trên, trong năm 2022, huyện phải có sự quyết tâm cao hơn nữa cùng các ngành và cơ sở phân tích, đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề trọng tâm, như:
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt diện tích lúa, màu Đông Xuân 2021 - 2022 đạt kế hoạch đề ra, thường xuyên theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời các loại dịch hại trên lúa và hoa màu; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp từng vùng, bảo đảm năng suất cao, nhằm tăng thu nhập nâng cao đời sống nông dân.
Triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Tiếp tục củng cố và xây dựng phát triển kinh tế hợp tác và HTX với nhiều mô hình liên kết chặt chẽ, tạo sự gắn kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Về xây dựng Nông thôn mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực hỗ trợ để không ngừng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, huyện Nông thôn mới; phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tập trung hơn nữa việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tính bền vững, nhưng đồng thời phải gắn với việc chăm lo đời sống của nhân dân. Tiếp tục khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn để mở rộng ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chú trọng phát triển một số ngành nghề hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân”.
Tác giả bài viết: Kiều Tước Nguyên