Huyện Gò Công Tây: Giám sát công tác quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh rạch

Thứ bảy - 16/03/2024 22:02
Trong 02 ngày 13 và 14-3, Tổ đại biểu HĐND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang thành lập Đoàn giám sát tiến hành giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về duy trì thông thoáng lòng sông, kênh rạch tại địa bàn xã Đồng Sơn, xã Bình Phú, xã Thành Công và xã Đồng Thạnh huyện Gò Công Tây. Tham gia Đoàn giám sát có các ông: Hồ Văn Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Tổ trưởng tổ đại biểu; Phó Chủ tịch HĐND huyện bà Lê Nhất Nam; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện ông Huỳnh Thanh Bình, ông Trần Chí Hiền- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy- thành viên Tổ đại biểu cùng các ông trong Tổ đại biểu HĐND huyện.
Tổ đại biểu HĐND huyện làm việc tại xã Đồng Sơn.
Tổ đại biểu HĐND huyện làm việc tại xã Đồng Sơn.

Tại các buổi giám sát, đoàn đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý của xã trong việc duy trì thông thoáng lòng kênh rạch từ năm 2022 đến nay.
 

hđnd huyen go cong tay giam sat (1)
 
hđnd huyen go cong tay giam sat (2)


Theo báo cáo của lãnh đạo xã Bình Phú hiện có 30 tuyến kênh với tổng chiều dài 41.668 mét, cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 1.205,8 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã Bình Phú có 07 cống do Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện quản lý vận hành nhằm phục vụ tốt cho việc điều tiết nước, ngăn mặn.

Nhìn chung tất cả các tuyến kênh của xã đều được đưa vào kế hoạch tiến hành nạo vét theo chu kỳ và thường xuyên trục vớt lục bình khai thông dòng chảy. Hàng năm, UBND xã Bình Phú đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tác hại của lục bình, cỏ, chướng ngại vật trên các tuyến kênh, rạch làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như việc sản xuất và cung cấp nước cho người dân. Qua đó đã vận động người dân cùng tham gia với chính quyền trong công tác trục vớt, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh rạch trên toàn địa bàn xã nói chung ngày càng tốt hơn.

Còn tại xã Đồng Sơn, theo UBND xã Đồng Sơn có 32 tuyến kênh đã được xã giao khoán thực hiện trục vớt lục bình thường xuyên với tổng chiều dài 59.261 mét. Để thực hiện tốt công tác quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh rạch, UBND xã Đồng Sơn đã bàn giao các tuyến kênh cho các ban ngành, đoàn thể xã theo hợp đồng giao khoán, hỗ trợ quản lý trục vớt lục bình, chướng ngại vật lòng kênh; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh vận động người dân cùng chung tay tham gia thực hiện công tác trục vớt lục bình, không xả rác thải, phát quang bụi rậm, không chăn thả vịt … để bảo vệ nguồn nước các tuyến kênh cung cấp đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Mặc dù được tiến hành trục vớt lục bình thường xuyên, tuy nhiên theo lãnh đạo 2 địa phương vẫn còn tình trạng cỏ rác sinh sôi. Để đảm bảo lòng sông, kênh rạch trên địa bàn được duy trì thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng khả năng dẫn nước tưới, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, lãnh đạo UBND xã đề nghị lãnh đạo cấp trên quan tâm, xem xét cấp thêm nguồn kinh phí trục vớt lục bình theo mặt bằng chung đối với ngày công lao động hiện nay.

Đoàn giám sát đã kiểm tra hồ sơ sổ sách quyết toán kinh phí các hoạt động khơi thông dòng chảy, trục vớt lục bình và tiến hành đi thực tế kiểm tra kết quả thực hiện duy trì thông thoáng lòng kênh tại một số tuyến kênh trên địa bàn 2 xã phụ trách quản lý.

Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đánh giá cao sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương và người dân tích cực làm tốt công tác trục vớt lục bình, duy trì thông thoáng đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Công tác quản lý nguồn nước và môi trường nước cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân trong và ngoài địa phương. Tuy nhiên, Đoàn giám sát đề nghị chính quyền địa phương cần lưu ý không sử dụng thuốc diệt cỏ để tiêu diệt lục bình gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng hệ sinh thái. Trong thời gian tới tiếp tục quan tâm duy trì vận động các nguồn lực, sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng người dân thường xuyên ra quân trục vớt lục bình, cỏ, phát quang bụi rậm dọc theo các tuyến kênh để tạo sự thông thoáng cho lòng kênh, rạch, đảm bảo thực hiện tốt phương án, kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch trên địa bàn.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của người dân và các cấp chính quyền về tác hại của lục bình làm ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất, đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, từ đó vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy người dân tại địa phương làm trọng tâm để bám sát thực tế tình hình vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh nguồn nước, không cản trở dòng chảy, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra các đơn vị nhận khoán hợp đồng quản lý duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch cần thường xuyên kiểm tra, trục vớt lục bình, cỏ rác để lòng sông, kênh rạch cơ bản đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây