Tiếp và làm việc với Tổ kiểm tra, có ông Nguyễn Thanh Tuấn – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện; cùng lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh, chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND huyện và Bưu điện huyện.
Theo báo cáo, thời gian qua UBND huyện đã ban hành Quyết định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, bổ sung đủ 6/6 biên chế được giao; trong đó, có 01 chuyên trách phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông, UBND huyện kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện 02 kế hoạch, 16 công văn, 11 quyết định và 02 báo cáo trong lĩnh vực công nghệ thông tin; 03 kế hoạch, 04 công văn, 01 báo cáo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; xây dựng và triển khai thực hiện 6 kế hoạch, 17 công văn, 03 quyết định, 01 báo cáo các nhiệm vụ lĩnh vực thông tin tuyên truyền, báo chí xuất bản. Về Ứng dụng phần mềm một cửa điện tử: tất cả các lĩnh vực đều được các đơn vị nhập đầy đủ hồ sơ vào phần mềm một cửa, có in phiếu giao nhận, phiếu hẹn và trả kết quả theo quy định. Tính đến 31 – 7 – 2024, tổng hồ sơ trực tuyến là 12.452/13.866 hồ sơ, đạt tỷ lệ 89,80% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết bằng hình thức trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn là 99,80% (13.539/13.566 hồ sơ); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 0,2%. Tất cả các phòng ban chuyên môn huyện, UBND 12 xã, thị trấn Vĩnh Bình đều ứng dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và điều hành. 100% văn bản đi, đến đều được cập nhật và xử lý trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành (trừ văn bản mật). 100% các phòng ban chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn đều ứng dụng tốt chữ ký số trong phát hành văn bản đi, trong đó có ứng dụng chữ ký số cá nhân của lãnh đạo. Trang thông tin điện tử của huyện được duy trì hoạt động, cập nhật, đăng tải đầy đủ các chuyên mục theo quy định. Hiện tỷ lệ dân số có điện thoại di động thông minh là 103.414/123.152 thuê bao đạt 83,97%; đã hỗ trợ, hướng dẫn tạo, cấp tài khoản và đưa 47 sản phẩm OCOP (22 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm 3 sao) của 18 chủ thể lên các sàn thương mại điện tử như buudien.vn, voso.vn, shopee.vn,…Trong năm, huyện đã đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông cho 02 xã Đồng Thạnh (18 cụm với 72 loa) và xã Bình Phú (16 cụm với 64 loa),…
Tại buổi kiểm tra, Tổ kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã có những trao đổi, hướng dẫn, đề xuất một số giải pháp để huyện thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ có liên quan. Kiến nghị tại buổi làm việc, UBND huyện mong muốn Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ huyện Gò Công Tây triển khai nguồn kinh phí đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh các xã nhằm đảm bảo đến năm 2025, hệ thống truyền thanh của huyện được hoàn chỉnh theo chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới trong thời gian tới; Sở Thông tin và Truyền thông có chỉ đạo các nhà mạng quan tâm thực hiện việc bó gọn các tuyến cáp trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đậm – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang ghi nhận những kết quả của huyện đã đạt được trong thời gian vừa qua, huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đồng thời đề nghị UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện của địa phương. Tăng số lượng tin bài trên trang thông tin điện tử của huyện. Thực hiện đầy đủ số hóa văn bản đến theo quy định, trang bị cài đặt phần mềm diệt virut cho máy tính cán bộ, công chức, viên chức huyện, xã. Huyện cần có kế hoạch cụ thể từng năm trong việc thực hiện chỉnh trang mạng cáp.