Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 06/5/2020 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đồng Thạnh lần thứ VII, Nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chiều ngày 17/06/2022 tại hội trường UBND xã Đồng Thạnh, Uỷ ban nhân dân xã Đồng Thạnh phối hợp Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Đồng Thạnh tổ chức triển khai kế hoạch số 93/KHPH ngày 16/6/2022 về việc phối hợp thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã giai đoạn 2022-2025.
Đến tham dự triển khai có đồng chí Nguyễn Văn Tỵ –Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lê Đặng Thanh Vân – Chủ tịch UBND xã và đồng chí Lê Hải Âu – Chủ tịch UBMTTQVN xã Đồng Thạnh cùng với ban ngành đoàn thể xã, Ban giám hiệu các trường, Trạm y tế và Ban lãnh đạo các ấp văn hóa, Ban công tác mặt trận ấp cùng dự triển khai.
Xã Đồng Thạnh đang thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí môi trường về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đạt tối thiểu 95%, do đó lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải xử lý là rất nhiều, nếu rác thải phát sinh, không được phân loại, xử lý tại nguồn, tất cả thu gom tập trung về bãi rác thì các bãi chôn lấp của huyện sẽ quá tải, không còn khả năng thu nhận rác. Hơn nữa hiện nay xã chưa có cơ sở xử lý rác thải tập trung.
Để giải quyết vấn đề trên và đạt được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, song song với việc phối hợp với huyện tổ chức thu gom rác trên địa bàn xã, thì vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường là rất quan trọng, đặc biệt trong việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.Việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại bãi tập trung. Vì vậy việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn rất cần thiết và cần thực hiện như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (Rác vô cơ tái chế): là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như: giấy, kim loại, các loại nhựa, nilon, cao su,…
- Chất thải thực phẩm (Rác hữu cơ): là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên, sinh ra mùi hôi thối như: vỏ trái cây, lá cây, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, rác nhà bếp, xác động vật, phân chăn nuôi,…
- Chất thải rắn sinh hoạt khác (Rác vô cơ không tái chế): là những loại rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế như: hộp xốp, sành, sứ, gốm, thủy tinh bể các loại, quần áo, giày dép, xương động vật,...
Việc tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm gương; tất cả người dân, các doanh nghiệp, tiểu thương, chợ, cơ quan hành chính, trường học.. trên địa bàn xã.
Cần nâng cao vai trò của phụ nữ và học sinh trong công tác tuyên truyền. Vì đây sẽ là các đối tượng chính thực hiện việc phân loại rác tại từng hộ gia đình. Thông qua các tổ chức, hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các trường học, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn quy trình, cách thức phân loại và xử lý rác thải,...
UBND xã cũng thành lập Ban chỉ đạo phân loại rác tại nguồn để chỉ đạo việc thực hiện phân loại rác các ấp trên địa bàn xã, đồng thời phân công đoàn vận động, hướng dẫn nhân dân phân loại rác. Mỗi đoàn vận động do các đồng chí Đảng ủy viên là tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Kết thúc buổi triển khai kế hoạch đồng chí Lê Đặng Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã đề nghị các ban ngành, đoàn thể, Ban lãnh đạo các ấp tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, huy động tất cả các tập thể và các tổ chức quần chúng thực hiện phân loại và xử lý chất thải rắn tại nguồn.
Tác giả bài viết: Trung Tuyến