Cũng thông qua mạng xã hội, Ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể xã đã nắm bắt kịp thời tình hình, tư tưởng cán bộ, hội viên, đoàn viên thanh niên, từ đó cung cấp thông tin chính xác, đấu tranh, phản bác với các thông tin không chính xác, định hướng dư luận xã hội cho cán bộ, hội viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân.
Đoàn Thanh niên và Ban Chỉ huy Công an xã Đồng Sơn là một trong những ngành sử dụng website, fanpage hiệu quả góp phần lan tỏa sâu rộng thông tin tuyên truyền tích cực nhất.
Trên địa bàn xã hiện nay, đa phần thanh niên đi làm ăn xa nhà, số có mặt tại địa phương thì tập trung chăm lo phát triển kinh tế nên việc tập hợp để nghe thông tin pháp luật là một việc hết sức khó khăn. Để pháp luật lan tỏa, thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của đoàn viên thanh niên, từ khi mạng xã hội phát triển, ngoài phát hành các văn bản bằng giấy, Xã Đoàn còn sử dụng trang fanpage (trang Đoàn Thanh niên xã Đồng Sơn và trang Người Đồng Sơn – Tuổi trẻ Đồng Sơn – Đồng Sơn trong trái tim tôi) để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, phong trào, hoạt động của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn đến đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, trang fanpage của Đoàn Thanh niên cũng là kênh nắm bắt dư luận xã hội, nhanh chóng nhận được thông tin phản hồi của người dân hay các vướng mắc về thủ tục hành chính, các quy định của pháp luật cần được tư vấn, giải đáp.
Cũng như Đoàn Thanh niên xã, những năm gần đây Công an xã Đồng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua facebook, zalo. Đối với trang zalo Công an xã Đồng Sơn và nhóm zalo An ninh Đồng Sơn (có 705 thành viên) cập nhật kịp thời tình hình an ninh - trật tự cũng thu hút đông đảo lượt xem, tương tác, nắm bắt kịp thời các phản ánh và những điều người dân quan tâm, mong muốn được giải đáp. Đặc biệt là trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, người dân nắm bắt kịp thời nhanh chóng các thông tin về tội phạm đồng thời phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin và truy bắt đối tượng.
Hiện tại, chỉ tính riêng trang web “Người Đồng Sơn – Tuổi trẻ Đồng Sơn – Đồng Sơn trong tim tôi” có khoảng 2.300 lượt like và theo dõi; nhóm zalo “An ninh Đồng Sơn” có 705 thành viên. Ước tính với mỗi bài viết đăng tải trên nhóm zalo “An ninh Đồng Sơn”, trang zalo “Công an xã Đồng Sơn” đồng thời kết nối chia sẻ vào trang web “Người Đồng Sơn – Tuổi trẻ Đồng Sơn – Đồng Sơn trong tim tôi” sẽ chuyển tải nội dung, tiếp cận và tương tác đến 3.005 lượt người.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã Đồng Sơn cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành cập nhật, đăng tải các thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trên cổng thông tin điện tử của xã để người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu.
Thực tế cho thấy, mạng xã hội có ưu điểm không bị giới hạn về không gian và thời gian, nên nếu biết cách sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Với việc thực hiện mô hình thông tin phổ biến giáo dục pháp luật này, địa phương đã tiết kiệm được nguồn lực ngân sách rất lớn về chi cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, thông tin chuyển tải đến người dân nhanh chóng, kịp thời, đúng trọng tâm; tiếp cận được nhiều người, nhiều đối tượng, có kèm theo hình ảnh minh họa tuyên truyền trực quan, sinh động, dễ hiểu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PBGDPL, thể hiện đúng ý nghĩa công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, từ đó giúp cho cán bộ và Nhân dân tiếp cận thuận lợi, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh... là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Thông qua mạng xã hội, người dân có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, bên cạnh đó người làm công tác tuyên truyền dễ dàng tiếp nhận những ý kiến phản biện, kiến nghị, từ đó tiếp thu, nghiên cứu và phản hồi cho người dân hiểu đúng, chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Do đó, để khắc phục những hạn chế yếu kém trong hình thức tập hợp nhân dân đến nghe tuyên truyền miệng hay hệ thống truyền thanh của xã thường xuyên hư hỏng, không đến đầy đủ hết các ngõ xóm thì việc tận dụng những mặt ưu điểm, tích cực của mạng xã hội, phát huy tiềm năng của công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đến đông đảo người dân là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay tại địa phương.
Tác giả bài viết: Phúc Minh