Huyện Gò Công Tây chủ động, tích cực thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia

Thứ tư - 13/09/2023 23:34
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Bộ phận một cửa xã Long Bình tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của người dân.
Bộ phận một cửa xã Long Bình tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của người dân.

Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 06/01/2022 tại Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 còn gọi tắt là Đề án 06.

Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

 

huyen go cong tay tang cuong de an 06 (1)


Lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ việc triển khai Đề án 06 đó là khi Đề án 06 được triển khai, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Một lĩnh vực nữa sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái số này đó là bảo hiểm. Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là tất cả mọi người phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Khi mà người dân đã quen thuộc với cách giao dịch truyền thống, tâm lý e ngại cái mới, ngại công nghệ. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Do đó, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số thì người lãnh đạo, người đứng đầu phải quyết tâm thực hiện và sâu sát trong quá trình thực hiện. Từ đó mới kịp thời chấn chỉnh, có chỉ đạo xử lý khi có khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện…thì hiệu quả đem lại mới từng bước được nâng lên.

Bên cạnh các hình thức tuyên truyền theo hình thức truyền thống cần đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công trên mạng xã hội Facebook, Zalo để người dân được biết và thực hiện. Hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến là người dân phải biết - sử dụng - tuyên truyền.

Mục tiêu quan trọng của triển khai thực hiện Đề án 06 đó là: Thực hiện việc tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là cốt lõi của chuyển đổi số vì dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc. Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số mà không có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu thì hiệu quả của chuyển đổi số mang lại cũng chỉ có tính cục bộ, chưa đúng theo mục tiêu của Đề án 06.

Vai trò của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng rất quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 06 ra nhân dân. Hiện nay các tổ chuyển đổi số cộng đồng đã được thành lập và từng thành viên trong tổ cần nâng cao nhận thức rõ về Đề án 06 tăng cường tiếp cận công nghệ thông tin để hướng dẫn cho cộng đồng. Ngoài ra, cần có sự đầu tư đúng, đủ về vật chất, cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số như đường truyền mạng, máy móc, thiết bị cần thiết…để việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt chất lượng, hiệu quả cao và nhanh. Từ đó đem lại niềm tin cho người dân khi sử dụng, dẫn đến việc thay đổi thói quen đã khắc sâu, thay vì phải đi đến cơ quan hành chính thực hiện dịch vụ công trực tiếp thì người dân có thể an tâm và dễ dàng, thuận tiện khi thực hiện tại nhà.

Chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. Do đó, để thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn huyện Gò Công Tây thì cần phải có sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị cũng như vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sát sao của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của Nhân dân. Và thành công không thể có trong một thời gian ngắn mà cần phải có cả một quá trình thực hiện dài lâu và kiên trì thường xuyên, khó khăn ở đâu phải báo cáo về ngay Ban Chỉ đạo huyện để xin ý kiến hỗ trợ phương án giải quyết, không để các nội dung, chương trình của Đề án 06 gián đoạn, làm chậm đi tiến trình chuyển đổi số của địa phương.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây