Hiện nay hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, có xu hướng tăng về số vụ, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại tương đối lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet làm công cụ, phương tiện phạm tội. Cụ thể:
Thông qua các phương thức điện thoại: Các đối tượng thường sử dụng các phần mềm công nghệ (VoIP, GoIP) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi đến bị hại giả danh là cán bộ trong cơ quan, tổ chức (Công an, Tòa án, Viện Kiểm soát, cơ quan thuế, nhân viên nhà mạng, bưu điện, điện lực…) sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông qua việc chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger, Telegram, TicTok…) sau đó gọi điện thoại nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ cào điện thoại…; đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn mới là đối tượng sử dụng công nghệ “Deepfake” để giả mạo âm thanh, video của chủ tài khoản, gọi “video call” để lừa đảo, sử dụng chức năng mở tài khoản ngân hàng online để tạo tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản để lừa đảo.
Thông qua hoạt động tham gia góp vốn kinh doanh hoặc đầu tư trên các sàn chứng khoán, tiền điện tử, các trang đánh bạc online: Các đối tượng tạo tài khoản Facebook ảo với hồ sơ cá nhân giàu có, có địa vị xã hội, hình ảnh người đại diện đẹp, thu hút để kết bạn làm quen. Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin, chia sẻ, thăm hỏi, quan tâm rồi tạo tình cảm thân mật nam, nữ. Khi có được sự tin tưởng từ bị hại, đối tượng tư vấn để bị hại kiếm được lợi nhuận đối với những lần đầu tư ít, khi bị hại nộp nhiều tiền thì tạo các lý do để bị hại nộp thêm tiền rồi chiếm đoạt.
Thông qua hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ kiểm tiền và hoạt động kêu gọi làm từ thiện trên các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 18/12/2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số: 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng: trong đó, quý khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần giao dịch buộc phải xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo bắt đầu có hình thức lách sang mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức dẫn đến việc xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng tổ chức mới thành lập và chung người đại diện, đều đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và chỉ giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử, số lượng giao dịch lớn, tiền vào chuyển đi ngay.
Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không thực hiện làm theo hướng dẫn của đối tượng mà thực hiện phản ảnh số điện thoại cuộc gọi lừa đảo về Cục Cảnh sát hình sự (điện thoại: 0692348560), cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc trang dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (đình kèm đường link
https://thongbaorac.ais.gov.vn).