Tham dự họp mặt có ông Phạm Văn Chính- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang, các ông bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây và các thành viên Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây và các Chi hội Sinh Vật cảnh trong toàn huyện, các huyện bạn đến tham gia giao lưu học hỏi kinh nghiệm.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã tham quan vườn kiểng của Ban Chấp hành Hội, được nghe báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây trong thời gian qua, phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Với tổng số hội viên gần 200 hội viên, trong năm qua, Hội thành lập thêm 01 Chi hội Sinh vật cảnh xã Bình Tân, đến nay, trên địa bàn huyện có 3 Chi hội xã tại Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Tân, các Câu lạc bộ Sinh vật cảnh tại các xã như: Bình Nhì, Long Bình, Đồng Thạnh, Bình Phú, Bình Tân. Các Chi hội và Câu lạc bộ đều duy trì hoạt động ổn định, các hội viên đều có chung niềm đam mê hoa kiểng tham gia tích cực các phong trào hoạt động hoa kiểng để có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm phát triển ngành hàng hoa kiểng của huyện Gò Công Tây ngày càng tiến xa hơn.
Trong năm qua, Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây đã phát triển được 23 ha diện tích nhân giống cây kiểng chủ yếu là cây mai nu chiếu thủy - một loại cây đặc trưng của huyện nhà, phát triển được 270 cây kiểng cổ hoàn chỉnh, 550 cây kiểng cổ chưa hoàn chỉnh, 330 cây kiểng Bonsai hoàn chỉnh và gần 1.000 cây bon sai chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, thương hiệu Mai nu chiếu thủy Gò Công đã khẳng đinh được vai trò, vị thế, nâng tầm giá trị của cây Mai nu chiếu thủy Gò Công giúp mang về nguồn kinh tế ổn định cho người dân trồng mai nu chiếu thủy trên địa bàn huyện. Trong năm 2024 vừa qua, Hội Sinh vật cảnh huyện cũng đã phối hợp tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm giúp hội viên có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề theo kịp đà phát triển về kỹ thuật, nghệ thuật hoa kiểng trong và ngoài nước. Hội còn thường xuyên tham gia sinh hoạt giao lưu với Câu lạc bộ Bon Sai Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm Hội còn nhận nhiệm vụ trang trí hoa kiểng phục vụ cho các hội nghị, đại hội cấp huyện để mang nghệ thuật hoa kiểng của địa phương trang trí cảnh quan, góp phần quảng bá thế mạnh về kiểng cổ của huyện Gò Công Tây với bạn bè khắp nơi. Đặc biệt, Hội còn thường xuyên vận động các hội viên tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa, phong trào xanh, sạch, đẹp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà chính quyền các cấp phát động. Đặc biệt, hàng năm, Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây còn tham gia trưng bày triễn lãm hoa kiểng tại Hội Xuân huyện Gò Công Tây, hoạt động này mang nhiều ý nghĩa quan trọng vì góp phần làm đẹp cho Hội Xuân, thu hút nhiều khách tham quan, quảng bá hoạt động Hội Sinh vật cảnh huyện, đặc biệt là quảng bá về cây mai nu chiếu thủy Gò Công để mọi người cùng biết đến nâng tầm giá trị cây mai nu chiếu thủy.
Trong thời gian tới đây, Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây tiếp tục củng cố duy trì hoạt động, phát triển thêm hội viên, thành lập thêm 1 Chi hội cấp xã, phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho hội viên, tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi, giao lưu kinh nghiệm về hoa kiểng cho hội viên.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phạm Văn Chính- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận và đánh giá cao các phong trào hoạt động của Hội Sinh vật cảnh huyện trong thời gian qua, là cái nôi của kiểng cổ, huyện Gò Công Tây có lợi thế tập trung đông nghệ nhân chơi kiểng và kinh doanh ngành hàng cây kiểng qua đó vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, vừa tạo nét đẹp cảnh quan thiên nhiên cho địa phương. Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm cao của các thành viên trong Ban Chấp hành và các hội viên nên Hội Sinh vật cảnh huyện đã phấn đấu, nỗ lực duy trì hoạt động Hội ổn định, đạt được nhiều kết quả tích cực, và tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu sinh vật cảnh, góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Trong thời gian tới đây, ông đề nghị Hội tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về ý nghĩa, giá trị tư tưởng, văn hóa nghệ thuật và hiệu quả kinh tế xã hội của sinh vật cảnh. Qua đó thúc đẩy phát triển nghề trồng cây cảnh, bonsai mang về nguồn kinh tế cao, mở ra hướng đi mới về phát triển du lịch nông thôn thu hút du khách trong và ngoài huyện yêu thích hoa kiểng đến với địa phương. Các hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện cần phát huy tinh thần sáng tạo trong việc mở rộng thị trường đầu ra, áp dụng khoa học công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ để phát huy ưu thế kiểng cổ, lợi thế của vùng đất đặc thù của cây mai nu chiếu thủy ra bên ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cao giá trị của cây kiểng Gò Công Tây.