Hội nghị đã được nghe bà Võ Thị Lan Phương, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nội vụ huyện, thành viên HĐ.TTPBGDPL huyện giới thiệu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023; Luật gồm có 6 Chương, 91 điều, thay thế cho Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-BTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
Đây là Luật mới, lần đầu được Quốc hội xem xét thông qua, quy định rõ quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có một số nội dung đáng lưu ý đó là: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những quyền, Luật cũng đã quy định rõ nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đó là: Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tham gia ý kiến về các nội dung đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.
Tác giả bài viết: Ngọc Thơ