Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Thanh tra tỉnh quan tâm chỉ đạo nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn huyện Gò Công Tây cơ bản đạt kết quả tốt, hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức thực hiện thường xuyên theo kế hoạch và đột xuất, các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng được ngăn chặn, không để các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn huyện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận về các nội dung: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị về quyết định, hành vi của mình trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong việc yêu cầu giải trình, trình tự, thủ tục yêu cầu giải trình; giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Nê - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị để góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cần tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạo đức liêm chính; xây dựng văn hóa liêm chính, tuân thủ pháp luật, không cần, không muốn tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả bài viết: Quốc Nam