Huyện Gò Công Tây tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Làng nghề Kiểng cổ Mai nu xã Thạnh Nhựt

Thứ tư - 09/04/2025 21:44
Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế, du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương. Qua phát triển sản phẩm của làng nghề, người dân xã Thạnh Nhựt đã sưu tầm, gầy dựng, bảo tồn và phát triển cây mai nu cho đến nay Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận thành lập.
Đồng chí Phạm Văn Trọng - Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang về việc công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây.
Đồng chí Phạm Văn Trọng - Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang về việc công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây.
Vào sáng ngày 09/4/2025, tại nhà văn hóa xã Thạnh Nhựt, UBND huyện Gò Công Tây long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Làng nghề Kiểng cổ Mai nu xã Thạnh Nhựt. Tham dự lễ có đồng chí Phạm Văn Trọng - Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; đồng chí Trần Thị Bé Bảy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang; đồng chí Nguyễn Đoàn Thanh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang; đồng chí Đinh Tấn Hoàng - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Huỳnh Thanh Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; thường trực UBND huyện, UB MTTQ Việt Nam huyên; lãnh đạo các Phòng ban chuyên môn huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam xã Thạnh Nhựt; lãnh đạo UBND các đơn vị xã, thị trấn trong toàn huyện cùng người dân Khu vực Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt.
 
cong bo lang nghe mai nu xa thanh nhut go cong tay (2)

Tại chương trình, Ban tổ chức đã công bố và thông qua Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây. Xã Thạnh Nhựt được xem là thủ phủ của làng mai nu với cây kiểng chủ lực là "mai chiếu thủy nu" tại huyện Gò Công Tây. Cây mai chiếu thủy nu vốn đã bén rễ ở vùng đất Thạnh Nhựt trên 100 năm nay, người dân trồng như cây cảnh trước nhà; Nghề trồng mai nu gắn bó với người dân xã Thạnh Nhựt từ bao đời nay bởi nó vừa truyền tải ý nghĩa nhân văn của "kiểng cổ”, vừa tạo thú vui tao nhã, giúp phát triển kinh tế, góp phần tạo nên nhãn hiệu đặc trưng cho vùng đất Gò Công. Cây mai chiếu thủy nu có nhiều u nần giống mặt khỉ nên còn gọi là nu mặt khỉ. Giá trị ở chỗ có nhiều u nần, lâu năm tạo thành dãy nu, da có màu xám đặc trưng, được nhiều nghệ nhân ưa thích và sẵn sàng trả giá cao đối với những gốc được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý.

Trên địa bàn xã Thạnh Nhựt có khoảng 410 hộ trồng mai nu, với tổng diện tích 28,15 ha. Một số hộ dân chuyên trồng mai nu để bán giống kết hợp tạo hình thành tác phẩm với diện tích lên đến cả hecta. Ngoài ra, một số hộ dân cũng tận dụng đất vườn trồng xen cây mai nu nguyên liệu, sau đó bán lại cho nghệ nhân để tạo hình thành tác phẩm có giá trị. Kiểng cổ, bonsai các cây thành phẩm là 12.454 cặp, cây bán thành phẩm 12.454 cặp, cây nguyên liệu 119.761 gốc, tập trung nhiều nhất là ấp Thạnh Lạc Đông và ấp Tân Thạnh.

Đến Làng nghề kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt, những câu chuyện về văn hóa, kinh tế cùng niềm tự hào mà cây mai nu đã, đang và sẽ luôn gắn bó tạo nên những giá trị cho vùng đất và con người nơi đây. Với lợi thế kết nối với các tuyến đường giao thông trục chính của huyện và xã, cơ sở hạ tầng đảm bảo yêu cầu phát triển của làng nghề thuận lợi cho giao thương và đi lại. Hiện nay, trên các nẻo đường dẫn vào làng nghề đã được trải nhựa sạch sẽ, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Dọc các con đường, nhiều chậu mai đã được cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp được trưng bày, rộn ràng khoe sắc. Hiện có 1.210 hộ dân trong khu vực làm nghề; Số hộ tham gia nghề kiểng cổ là 308 hộ, chiếm 25,45% so với tổng số hộ dân của khu vực làm nghề, có 323 lao động của khu vực làm nghề.

Hiện nay mai chiếu thủy nu đã vươn tầm trong phát triển kinh tế khi được xuất khẩu sang nhiều nước. Giữ gìn văn hóa xưa, phát triển kinh tế, tạo lập nhãn hiệu, phát triển làng nghề đang được chính quyền và nhân dân xã Thạnh Nhựt – xứ sở của mai nu chung tay thực hiện. Đối với người dân nơi đây, trồng mai nu không chỉ là thú vui, mà đã trở thành ngành nghề kinh doanh cho thu nhập cao. Nhờ cây mai, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài. Trong những năm gần đây, nghề trồng mai nu đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình. Để phục vụ thị hiếu của người chơi mai, người dân trong làng thường trồng mai kiểng, tạo dáng rồng bay thành các hình chân thú long, lân, quy, phụng đẹp mắt. Các chậu mai có gốc to, gốc càng già càng quý. Kỹ thuật trồng mai kiểng phải theo đúng quy trình, người trồng phải mất nhiều công chăm sóc. Có thể nhân giống mai bằng chiết cành, giâm cành hoặc ghép cành và trồng trên nhiều nhiều loại đất khác nhau. Lợi nhuận bình quân của 01 hộ trồng kiểng cổ mai nu năm sau cao hơn năm trước.

Nhìn chung, kiểng cổ mai nu đã đáp ứng được nhu cầu thị trường và nhiều khách hàng khác nhau trong và ngoài nước. Ngoài ra, các hộ trong làng nghề còn giới thiệu sản phẩm trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok vừa mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm vừa thu hút khách hàng tiềm năng. Cây mai nu Gò Công được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công" vào tháng 12/2021 mở ra nhiều triển vọng cho làng mai nu Gò Công, trong đó có xã Thạnh Nhựt và giới thiệu tiềm năng, lợi thế cũng như nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm đến khách hàng và người thưởng lãm trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp các chủ thể trồng, kinh doanh sản phẩm mai nu Gò Công có điều kiện mở rộng giao lưu, mua bán với đối tác ở trong, ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, kiểng cổ đuôi lân Tám Bỉnh được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả vào ngày 29/8/2017. Năm 2018, Cơ sở sản xuất - kinh doanh kiểng cổ đuôi lân Tám Bỉnh được chứng nhận Top 50 Thương hiệu ưa chuộng do người tiêu dùng bình chọn. Ngoài ra, năm 2024, sản phẩm mai nu mặt khỉ-kiểng cổ đuôi lân của hộ kinh doanh kiểng cổ đuôi lân Tám Bỉnh được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Tại chương trình, các đại biểu cũng đã tham quan trưng bày kiểng cổ mai nu chiếu thủy tại sân nhà văn hóa xã Thạnh Nhựt tìm hiểu thêm về ý nghĩa và vẻ đẹp của cây kiểng cổ mai nu chiếu thủy tại Làng nghề kiểng cổ mai nu xã Thạnh Nhựt.
 
cong bo lang nghe mai nu xa thanh nhut go cong tay (3)
Đại biểu tham quan trưng bày kiểng cổ mai nu chiếu thủy.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Trọng-Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã nhấn mạnh về ý nghĩa tầm quan trọng của việc thành lập làng nghề kiểng cổ mai nu chiếu thủy: Sau một quá trình lâu dài hình thành và phát triển cây Mai nu hôm nay Làng nghề kiểng cổ Mai nu Thạnh Nhựt được thành lập, đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nghề truyền thống đặc trưng nơi đây. Thay mặt UBND tỉnh chúc mừng bà con xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã phát triển cây kiểng Mai nu với số lượng, quy mô đủ tiêu chí thành một làng nghề được công nhận như hôm nay. Làng nghề Kiểng cổ Mai nu không chỉ là một địa chỉ sản xuất, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và truyền thống của nhân dân xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Sự công nhận này không chỉ ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân, người dân nơi đây trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng.

Để quản lý, duy trì bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương, UBND huyện, UBND xã Thạnh Nhựt quan tâm nhiều hơn nữa trong việc: Tiếp tục tuyên truyền triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, trong đó cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và hộ gia đình trong làng nghề tham gia các hoạt động xúc tiến, thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề… Đồng thời, triển khai đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề tiếp cận các cơ chế chính sách để phát triển như: các dự án phát triển làng nghề, chính sách đào tạo nghề, tín dụng,...Thường xuyên vận động, hướng dẫn các hộ gia đình và cơ sở sản xuất trong làng nghề tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức các lớp đào tạo, huyền dạy nghề, nâng caọ tay nghề chọ các nghệ nhân trẻ, tạo điều kiện để Làng nghề Kiểng cổ Mai nu phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây