Tham dự hội nghị có ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; ông Lê Minh Hoàng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện; ông Nguyễn Châu Long- Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cùng với hơn 100 lượt bà con nông dân trên địa bàn xã Thành Công đến tham quan, học hỏi mô hình.
Theo ghi nhận chung, mô hình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm” lúa chất lượng cao giảm phát thải vụ Đông Xuân 2024-2025 được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện tại xã Thành Công với quy mô 60 ha, trong đó kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hơn 227 triệu đồng, phần còn lại cho người dân tự đối ứng thực hiện. Tham gia mô hình, nông dân thực hiện theo đúng kỹ thuật của ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn như giảm mật độ gieo sạ xuống, chỉ sạ khoảng từ 80-100 kg/ha, áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng sản xuất 1 phải 5 giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, thực hiện quản lý nước theo phương pháp “ngập- khô xen kẽ”, rút nước giữa vụ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón vô cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất, đặc biệt nông dân tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất luá 1 phải 5 giảm như: sử dụng giống lúa chất lượng cao, cấp xác nhận 1, sử dụng công thức phân 95 N-40 p2o5-30-K2O cho quy trình, áp dụng quản lý IPM để quản lý dịch hại.
Nhìn chung, mô hình được đánh giá đạt năng suất chất lượng cao, dự kiến thu hoạch đạt trên 7,5 tấn/ha, giảm đáng kể lượng phân hóa học, lượng giống gieo sạ nên tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bà con nông dân đều lựa chọn các giống chất lượng cao như ST25, VD 20, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8 nên cho ra sản phẩm hạt gạo ngon, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình canh tác lúa được ngành Nông nghiệp huyện triển khai, phổ biến nhân rộng trong thời gian tới, nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận gắn liền với mô hình sản xuất, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và phát thải thấp, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, qua đó còn góp phần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm tăng giá trị phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.