Những nội dung chính của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Những nội dung chính của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Hội nghị triển khai Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị tại điểu cầu Trung ương.

Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Các nước lớn tiếp tục duy trì hợp tác, tránh xung đột quân sự trực tiếp song cạnh tranh chiến lược phức tạp, gay gắt và quyết liệt hơn.

Tình hình trong nước sau gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam được nâng cao, vị thế và uy tín quốc tế của Đảng và Nhà nước ta gia tăng. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, về cơ bản kinh tế-xã hội của Việt Nam phát triển tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, đạt được kết quả tích cực. Các thành tựu nói trên đã thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên tích cực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện khả năng đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, có những sáng kiến, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan trong giai đoạn phát triển mới. Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; đời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế. Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ truyền thông, cạnh tranh nước lớn, những khó khăn do các thách thức an ninh phi truyền thống gây ra... nhằm đẩy mạnh các hoạt động tán phát thông tin xấu độc, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Việt Nam, phá hoại quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là với các nước láng giềng và đối tác truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác Thông tin đối ngoại (TTĐN) được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và trực tiếp triển khai đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước càng đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển công tác TTĐN và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng về TTĐN, tiêu biểu như: Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về “đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại”; Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg ngày 26/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại”; Chỉ thị số 26/CT-TW ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”. Xuất phát từ yêu cầu, đặc biệt là tầm quan trọng của công tác TTĐN đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong Chỉ thị 26, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã đặt vấn đề xây dựng Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại. Theo đó, ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 trên cơ sở “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020” (sau đây gọi tắt là Kết luận 16-KL/TW).

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, công tác TTĐN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác TTĐN được nâng lên đáng kể. Nội dung và phương thức thực hiện công tác TTĐN ngày càng được đổi mới, đa dạng. Việc triển khai tích cực Kết luận 16-KL/TW đã góp phần tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp nâng cao tiềm lực đất nước, vị thế và uy tín Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác TTĐN vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, đó là chưa phản ánh đầy đủ, sâu sắc thành tựu nổi bật của đất nước; việc triển khai nhiệm vụ còn phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của TTĐN; công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả; đầu tư nguồn lực chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Với những thành tựu đạt được trong công tác TTĐN thời gian qua, xuất phát từ tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế hiện nay cũng như dự báo giai đoạn tới, công tác TTĐN có một số cơ hội thuận lợi sau:

- Chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng công tác đối ngoại nói chung và TTĐN nói riêng trong tình hình mới.

- Uy tín và vị thế chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước ta ngày càng được nâng cao. Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, hiệu quả trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, góp phần quan trọng tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với các đối tác quốc tế, làm sâu sắc hơn tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam. Với vai trò là thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng trong các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, khẳng định uy tín, vị thế và quyết tâm trong việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết của khu vực và toàn cầu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập đã tạo nền tảng vững chắc và đà phát triển cho đất nước. Nhìn lại gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới kể từ năm 1986, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và quan trọng, quốc phòng an ninh bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập sâu rộng cùng thế giới trên tất cả các lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh; chính trị - ngoại giao cho đến kinh tế, thương mại, đầu tư; văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch, thể thao v.v...

- Về mặt khoa học, công nghệ, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự phát triển đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, có tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

- Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác TTĐN ngày càng được nâng cao; tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân luôn nồng nàn, cháy bỏng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để có thể tranh thủ, huy động đông đảo hơn nữa lực lượng đông đảo toàn dân vào các nhiệm vụ TTĐN.

Cùng với thời cơ thuận lợi, công tác TTĐN cũng gặp phải không ít khó khăn thách thức, cụ thể:

- Về địa chính trị và địa kinh tế, đất nước ta nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Điều này vừa mang lại cơ hội, song cũng đồng nghĩa với việc đất nước ta cũng phải thường xuyên đối mặt với những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

- Xu thế chung của thế giới hiện nay vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước. Công tác TTĐN đứng trước thách thức to lớn trong việc làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ tối đa ngoại lực phục vụ cho các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam.

- Một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng tạo ra thách thức không nhỏ đến công tác TTĐN. Đất nước càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới thì sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận thường xuyên được sử dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật để hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, âm mưu kích động bạo lực, gây bất ổn chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

- Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông cũng đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia. Chiến tranh truyền thông hiện được nhiều quốc gia sử dụng song song với chiến tranh trên thực địa. Tác động của nó đối với an ninh tư tưởng, an ninh quốc gia ngày càng lớn, thậm chí hoàn toàn có thể “đánh bại” một quốc gia ngay từ bên trong.

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết về lý luận và thực tiễn công tác TTĐN những năm qua, căn cứ dự báo về tình hình trong nước và khu vực giai đoạn mới, đặc biệt bám sát các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã đề ra, TTĐN được xác định là: (i) là một bộ phận rất quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân. (ii) Giới thiệu đến thế giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện quan điểm, lập trường chủ động, trách nhiệm đối với những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam, các vấn đề quốc tế phù hợp với các giá trị chung của nhân loại tiến bộ. (iii) Quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, di sản, tri thức khoa học Việt Nam, lan tỏa hệ giá trị quốc gia-dân tộc, hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam. (iv) Thông tin quốc tế với Nhân dân trong nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú kho tàng tri thức, văn hóa Việt Nam. (v) Thông tin, phản bác những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

- Công tác TTĐN là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, công tác TTĐN đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng; được triển khai trên cơ sở tuân theo các nguyên lý cơ bản, nội dung cốt lõi, giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phục vụ cho lý tưởng và mục tiêu của Đảng.

- TTĐN cần đi trước một bước, có tính dự báo cao, nhất là xu hướng truyền thông, dư luận trong nước và quốc tế trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, những sự việc có thể tác động tiêu cực đến uy tín của Đảng, hình ảnh của đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc.

- Kết hợp hài hòa giữa thông tin “xây” và “chống”, lấy chủ động, bảo đảm dòng thông tin chủ lưu tích cực làm chủ đạo. Không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức TTĐN theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả ”. Kịp thời tuyên truyền đúng thời điểm để bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo, định hướng cũng như trong triển khai công tác thông tin đối ngoại; tránh không bị trễ trong mọi tình huống, nhất là đối với những tình huống nhạy cảm, phức tạp, mới phát sinh, với tinh thần không né tránh những vấn đề nhạy cảm.

- Thông qua công tác TTĐN khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Khẳng định hình ảnh Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, đang phát triển năng động, ổn định, có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; yêu chuộng hòa bình, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế;

- Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát hiện kịp thời và đấu tranh phản bác hiệu quả các thông tin sai lệch, chống phá; làm thất bại mọi âm mưu chống phá, bôi nhọ hình ảnh và hạ thấp uy tín của đất nước và của Đảng, làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam. Hóa giải các định kiến, nhận thức sai lệch của một bộ phận dư luận quốc tế về một số vấn đề lịch sử liên quan Việt Nam.

Để thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới, cần nghiên cứu và làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, về nâng cao nhận thức, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác TTĐN. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác TTĐN đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là tại lực lượng chủ lực, chủ công, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ làm công tác TTĐN.

Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, nâng cao hình ảnh quốc gia, dân tộc cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác TTĐN.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đơn vị mình xây dựng cơ chế phát ngôn phù hợp, kịp thời cung cấp thông tin chính thống đến truyền thông báo chí, nhất là liên quan đến các sự việc nhạy cảm, phức tạp.

Thứ hai, về nội dung TTĐN, tập trung giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế các nhóm nội dung sau: (i) Lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, các giá trị, tư tưởng cao đẹp, tinh thần của dân tộc Việt Nam như tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý, yêu chuộng hòa bình. (ii) Thành tựu của công cuộc đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ. (iii) Chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt là những trọng tâm, điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (iv) Công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ. (v) Thành tựu trong công tác bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. (vi) Chủ trương, lập trường quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, chia sẻ tiếng nói về những vấn đề mang tính thời đại, nhận thức chung của cộng đồng quốc tế; đóng góp thiết thực và trách nhiệm của Việt Nam vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, duy trì và củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực đối với những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam.

Thứ ba, về phương thức, tích cực đổi mới công tác TTĐN theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu trao đổi, tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau. Triển khai toàn diện, phối hợp hài hòa, linh hoạt công tác TTĐN trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân.

Thứ tư, về nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếp nhận thông tin một cách chủ động và từ nguồn tin chính thống, tránh thiên lệch, một chiều. Tuyệt đối không khai thác tin chưa kiểm chứng, sai lệch, phản ánh không đúng đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, về nguồn lực, tăng cường nguồn lực Nhà nước, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác TTĐN, nhất là nguồn lực dành cho hoạt động của lực lượng chủ công, chủ lực, các cơ quan trực tiếp triển khai nhiệm vụ TTĐN. Xây dựng kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại bằng tiếng nước ngoài ngang tầm khu vực và thế giới; tạo điều kiện cho hoạt động của các cơ quan báo chí thường trú ở nước ngoài. Củng cố, nâng cao hiệu quả hệ thống cụm TTĐN ở cửa khẩu, biên giới. Phát triển các cơ sở văn hóa, du lịch tại các địa bàn chiến lược.

Bồi dưỡng, huy động sự tham gia của giới doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, học giả, văn nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trong xã hội, thế hệ trẻ, phóng viên trong nước và quốc tế... tham gia công tác TTĐN. Trong đó, chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, tinh thần nhiệt huyết của thế hệ trẻ trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam./.

 

Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây