Kỷ niệm 103 năm Ngày sinh đồng chí Lê Việt Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (05/6/1921 - 18/02/2006)

Nhân kỷ niệm 103 năm Ngày sinh đồng chí Lê Việt Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (05/6/1921 - 18/02/2006), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Đảng bộ huyện xin giới thiệu toàn văn đề cương tuyên truyền.
I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VIỆT THẮNG
Đồng chí Lê Việt Thắng, tên khai sinh là Lê Văn Nhung, sinh năm 1921 tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
 Năm 1936, đồng chí giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào thanh niên tương tế, sau làm Trưởng đoàn Thanh niên tương tế xã Long Hưng. Năm 1940, đồng chí tham gia khởi nghĩa ở xã Long Hưng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 8-1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại xã nhà. Sau tháng 8-1945, đồng chí là Thư ký Ủy ban Hành chính xã. Tháng 6-1946, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối năm 1946 đến 7-1947, đồng chí là Phó Chủ nhiệm Thôn bộ Việt Minh và Bí thư xã Long Hưng. Năm 1947, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành. Năm 1949, đồng chí là Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho. Năm 1954, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Mỹ Tho.

Sau Hiệp định Genève (7-1954), đồng chí được phân công ở lại miền Nam hoạt động, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho. Năm 1957, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Năm 1961, đồng chí là Khu ủy viên Khu 8 (Khu Trung Nam Bộ). Năm 1967, đồng chí là Phó Bí thư Khu ủy Khu 8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Khu 8.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975), đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Mỹ Tho (trực thuộc Khu, ngang với cấp tỉnh). Cuối 1975, đồng chí (là Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VIỆT THẮNG VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TỈNH MỸ THO (NAY LÀ TỈNH TIỀN GIANG)
1. Đồng chí Lê Việt Thắng với phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện Châu Thành và tỉnh Mỹ Tho từ năm 1936-1954
Là người sớm tham gia cách mạng vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi đất nước chìm sâu trong đêm dài nô lệ, đồng chí Lê Việt Thắng cùng với Đảng bộ huyện Châu Thành và Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho xây dựng cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi dưỡng niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Không chỉ xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở, đồng chí còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với bọn địa chủ, giành quyền lợi thiết thực cho nông dân để giữ phong trào cách mạng. Cơ sở đảng và phong trào cách mạng do đồng chí xây dựng phát triển đều khắp trong huyện Châu Thành và tỉnh Mỹ Tho, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng thánh Tám năm 1945 và thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).

2. Đồng chí Lê Việt Thắng lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Sau Hiệp định Genève (20/7/1954), dưới sự giật dây của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh thực hiện chiến dịch “tố cộng, “diệt cộng”, tăng cường đánh phá cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng. Vì thế, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, từ năm 1957 đến năm 1961, là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị, bản đề cương “Đường lối cách mạng miền Nam” và Nghị quyết của Xứ ủy; lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống “tố cộng”, “diệt cộng”, chống bắt lính, chống âm mưu cải cách điền địa của địch; đề ra phương châm: lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu nhưng đồng thời phải xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền để hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh công tác phá kềm; xây dựng, củng cố tổ chức đảng phải tinh gọn, thường xuyên giáo dục, xây dựng lập trường, khí tiết cho cán bộ, đảng viên.

Nhờ đó, cơ sở Đảng bám trụ được và tồn tại trong quần chúng, uy tín và ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên được sàng lọc trưởng thành, tin tưởng vào thắng lợi, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng được duy trì và có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ; hoạt động vũ trang tuyên truyền bắt đầu được đẩy mạnh.

Năm 1960, đồng chí chủ trì các hội nghị của Tỉnh ủy nhằm quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 01/1959), Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ và Nghị quyết của Khu ủy Khu 8 về việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát động phong trào “Đồng khởi”, kiên quyết đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở, làm chủ nông thôn.

Từ đó, dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân dân Mỹ Tho đã nổi dậy mạnh mẽ, liên tục tiến công địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” trên toàn miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đối phương, giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà (30/4/1975).

3. Đồng chí Lê Việt Thắng với công tác ổn định tình hình thành phố Mỹ Tho sau ngày giải phóng (30/4/1975)
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975), với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Mỹ Tho, đồng chí đã tập trung thực hiện các công việc, như củng cố chính quyền nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở chiến dịch thu gom, truy quét tàn quân và những phần tử chống đối cách mạng, thành lập các tổ an ninh nhân dân; phát động phong trào “nhường cơm, sẻ áo” trong nhân dân nhằm giúp đỡ các gia đình nghèo đói, cơ nhỡ, song song với việc sắp xếp việc làm trong nhân dân; nhanh chóng, khôi phục ổn định hoạt động của một số ngành then chốt như điện lực, cấp thoát nước, thương nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải,….; phát động phong trào khai hoang phục hóa, thủy lợi nội đồng; phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, góp phần ổn định mọi mặt hoạt động của thành phố Mỹ Tho sau ngày giải phóng.

Trong thời gian hoạt động cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy (1957-1961), Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Mỹ Tho (từ đầu tháng 5/1975 đến cuối năm 1975), dấu ấn mà đồng chí Lê Việt Thắng để lại cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà là rất sâu đậm. Đồng chí có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thúc đẩy phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho tiến lên mạnh mẽ, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những đóng góp của đồng chí Lê Việt Thắng đối với phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho sẽ được lưu giữ mãi mãi trong ký úc của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh nhà. Đó là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, góp công lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nguyễn Văn Thảnh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây