Đồng chí Lê Văn Phẩm, bí danh Chín Hải, sinh năm 1922 tại ấp Bà Bèo, làng Mỹ Phước Tây, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước.
Từ thuở nhỏ, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, đi giao liên, rải truyền đơn và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11/1940) ở quê nhà. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, địch khủng bố gắt gao, chúng tìm bắt những người cách mạng và nhân dân tham gia khởi nghĩa, đồng chí Lê Văn Phẩm đến Mộc Hóa (Kiến Tường, tỉnh Long An) làm thuê kiếm sống tiếp tục hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1944, phong trào cách mạng ở Cai Lậy được khôi phục và phát triển. Đồng chí trở về xã Mỹ Phước Tây tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia vào lực lượng nòng cốt Thanh niên Tiền phong. Tháng 3/1945, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được cấp trên tin tưởng cử làm Trung đội trưởng kiêm Chính trị viên trung đội du kích xã Mỹ Phước Tây. Đồng chí cùng trung đội du kích tổ chức luyện tập và tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Tháng 8/1945, đồng chí chỉ huy trung đội du kích tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Mỹ Phước Tây và huyện Cai Lậy. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, sau đó mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, trong đó có tỉnh Mỹ Tho. Đồng chí Lê Văn Phẩm cùng các đồng chí ở xã Mỹ Phước Tây thực hiện chủ trương của Đảng: Cán bộ, chiến sĩ ở địa phương nào nhanh chóng trở về địa phương đó củng cố lại lực lượng chiến đấu lâu dài. Đồng chí bám trụ tại xã nhà, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, phát động phong trào nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 11/1946, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư chi bộ xã Mỹ Phước Tây. Đến tháng 3/1947, được chỉ định làm Bí thư Chi bộ xã Mỹ Phước Tây kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã và Chính trị viên Xã đội. Năm 1953, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), đồng chí được phân công ở lại miền Nam, phụ trách xây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Cai Lậy. Tháng 10/1955, đồng chí được chỉ định vào Ban Thường vụ Huyện ủy Cai Lậy, phụ trách công tác binh vận. Với nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Văn Phẩm cùng Ban Thường vụ Huyện ủy quyết tâm lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người dân.
Ngày 10/7/1957, Tỉnh ủy Mỹ Tho điều đồng chí về phụ trách Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành, đến tháng 8/1957, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Lúc này, địch đánh phá ác liệt, đa số cơ sở cách mạng bị tan rã, cán bộ cách mạng phải phân tán nhiều địa phương để bảo tồn lực lượng. Riêng đồng chí Lê Văn Phẩm vẫn bám trụ tại địa phương để hoạt động, gây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào. Với cương vị Bí thư Huyện ủy, đồng chí cùng tập thể Huyện ủy Châu Thành lãnh đạo quần chúng đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Genève để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng và bảo vệ quần chúng tránh sự khủng bố của địch.
Tháng 3/1959, đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Tháng 7/1958, Hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Phân ban Gò Công - Hòa Đồng để chỉ đạo sát hợp, kịp thời hai huyện phía Đông. Nghị quyết của Tỉnh ủy chưa kịp triển khai thì Gò Công - Hòa Đồng lại bị địch đánh phá dữ dội. Cơ sở bị vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt. Hầu hết đồng chí còn lại phải tạm lánh đi nơi khác.
Tháng 3/1960, Tỉnh ủy cử đồng chí Lê Văn Phẩm phụ trách hai huyện Gò Công và Hòa Đồng (nay là các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công), trực tiếp làm Trưởng ban Cán sự Đảng huyện Hòa Đồng, chỉ đạo xây dựng, củng cố chi bộ các xã. Tại đây, đồng chí cùng tiểu đội vũ trang xuống Rừng Sác tập hợp lực lượng, móc nối cơ sở ở đất liền và tổ chức nổi dậy ở Gò Công. Sau hơn một năm, đồng chí Lê Văn Phẩm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh, Gò Công và Hòa Động thành lập được 2 Huyện ủy, tổ chức được 2 ban quân sự huyện, các xã có chi bộ, có lực lượng vũ trang, bố máy kìm kẹp của địch tan rã, phong trào quần chúng phát triển.
Tháng 10/1962, sau khi được lệnh của Tỉnh ủy rút về nhận nhiệm vụ mới, đồng chí được Tỉnh ủy bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho, phụ trách an ninh kiêm Chính trị viên phóTỉnh đội. Cuối năm 1967, đồng chí là Chính trị viên Tỉnh đội Mỹ Tho. Tháng 6/1968, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Với trọng trách mới, đồng chí cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Mỹ Tho đã tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy với khí thế vô cùng mạnh mẽ, gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trong thời gian này, đồng chí Lê Văn Phẩm chỉ đạo thực hiện triệt để phương châm bám trụ “một tấc không đi, một li không rời”, bám đất, bám dân, bám địa bàn. Trong khi đó, Mỹ Tho đang là chiến trường trọng điểm, gay go ác liệt nhất của Khu 8 (Khu Trung Nam Bộ).
Ngày 01/8/1970, đồng chí Lê Văn Phẩm chỉ đạo dời căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho về ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên (huyện Cai Lậy) để các huyện, đơn vị, cán bộ đi lại bớt khó khăn. Địch tổ chức nhiều đợt càn quét, ngâm quân dài ngày, phi pháo bắn phá dữ dội, chặt phá địa hình, ngăn không cho dân tiếp tế vào căn cứ. Mặc dù vậy, Tỉnh ủy và các cơ quan Tỉnh ủy Mỹ Tho vẫn bám căn cứ Long Tiên, được quần chúng đùm bọc, bảo vệ. Để không bị động trong các đợt càn quét, ngâm quân dài ngày của địch, đồng chí Lê Văn Phẩm chỉ đạo cơ quan, các đơn vị tổ chức tự túc để cải thiện bữa ăn, giảm bớt khó khăn cho nhân dân khỏi phải tiếp tế cho cách mạng.
Tháng 6/1971, đồng chí được Khu ủy Khu 8 đề bạt làm Khu ủy viên chính thức, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 2/1974, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Khu ủy Khu 8, phụ trách Khu vực 3, gồm phía nam tỉnh Long An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang), tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang).
Trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), đồng chí Lê Văn Phẩm luôn có mặt khắp các địa bàn trong tỉnh. Bao lần chống địch càn quét, luồn sâu vào vùng yếu phá thế kềm kẹp, phá ấp chiến lược ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công, đồng chí đã làm nên nhiều chiến tích oanh liệt. Với cương vị Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra những chủ trương đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng ở tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, đánh thắng các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Vào giữa tháng 4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu 8, Tư lệnh phó Mặt trận Nam Sài Gòn, đồng chí đã cùng với với Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ huy lực lượng vũ trang tương đương với một sư đoàn liên tục hành quân, anh dũng đánh địch, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang là đánh chiếm Tổng nha cảnh sát chính quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975; giải phóng miền Nam thân yêu.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang (năm 1976, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho), đồng chí đã cùng với tập thể Tỉnh ủy ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang, phục hóa, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hoá - giáo dục, khuyếch trương các ngành nghề, mở mang đường xá, trường học, bệnh xá, cải thiện đời sống nhân dân; trong đó có những công trình mang dấu ấn thế kỷ gắn liền với trí tuệ, tâm huyết, công sức của đồng chí là chương trình vùng lúa năng suất cao, khai hoang Đồng Tháp Mười, dự án ngọt hóa Gò Công, xây dựng tuyến đường xuyên cù lao Lợi Quan (Tân Phú Đông),…
Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Lao động quên mình do Chính phủ Liên Xô tặng và nhiều huân, huy chương khác.
Là người chiến sĩ cộng sản chân chính, đồng chí Lê Văn Phẩm suốt đời phấn đấu, công tác vì nước, vì dân, vì lý tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và suốt đời tận tụy với nhân dân; là một tấm gương sáng để chúng ta và các thế hệ tiếp nối noi theo, học tập và phát huy trong quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Văn Thảnh – Tổng hợp