I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN VĂN VI
Đồng chí Trần Văn Vi, bí danh Dân Tôn Tử, sinh ngày 02-5-1905 tại làng Song Thuận, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Với lòng yêu nước nhiệt thành và tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột, năm 1927, đồng chí giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho, sau đó là Chi ủy viên Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phụ trách đoàn thanh niên. Tháng 9-1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (Đây là một trong ba tổ chức Đảng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ tháng 12-1929 đến tháng 5-1930, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Châu Thành.
Năm 1931, đồng chí được điều động về Tỉnh ủy Mỹ Tho và tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho. Phong trào đấu tranh bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị đày đi Hà Tiên. Đầu năm 1932, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 10-1932, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, bị đày đi Ô Cấp (Vũng Tàu). Tháng 10/1934, đồng chí được thả. Từ tháng 11-1934 đến tháng 4-1935, đồng chí công tác tại Xứ ủy lâm thời Nam kỳ; sau đó, là Xứ ủy viên Xứ ủy lâm thời, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4-1935, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba, đày đi Bà Rá (nay thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
Sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (09-3-1945), đồng chí Trần Văn Vi cùng với một số đồng chí khác vượt ngục Bà Rá trở về hoạt động cách mạng. Ngày 20-3-1945, những người cộng sản thuộc nhóm Giải phóng, như Nguyễn Thị Thập, Trần Văn Già, Trần Văn Vi, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Chim,… họp tại Xoài Hột (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) lập Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ, bầu đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư Xứ ủy. Xứ ủy này thường được gọi là Xứ ủy Giải Phóng, vì cơ quan ngôn luận của Xứ ủy là báo Giải Phóng. Đồng chí Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử) làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ từ tháng 3-1945 đến tháng 5-1945. Tháng 01-1948, đồng chí là Phó Trưởng Ban Chính trị Quân khu 8, phụ trách dân quân.
Tháng 02-1951, đồng chí tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Việt Bắc. Sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, Bí thư Liên chi, Ban Tiếp vận miền Nam. Sau Hiệp định Genève (20-7-1954) đến tháng 4-1974, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Đội trưởng Đội giảm tô, Đội trưởng Đội cải cách ruộng đất ở Bắc Giang, Cù Vân (tỉnh Thái Nguyên); Giám đốc Sở Quốc doanh Nông nghiệp phụ trách công tác nông trường thuộc Bộ Nông nghiệp; Vụ trưởng Vụ Hợp tác hóa nông nghiệp thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương; Vụ trưởng Vụ Hợp tác hóa nghề cá thuộc Tổng cục Thủy sản; Vụ trưởng Vụ Địa phương miền Nam thuộc Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), đồng chí Trần Văn Vi nghỉ hưu ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đồng chí từ trần ngày 02-8-1989.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được khen thưởng: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN VĂN VI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
1. Đồng chí Trần Văn Vi với công tác xây dựng Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện Châu Thành và tỉnh Mỹ Tho trong Cao trào cách mạng 1930-1931.
Với chức trách Bí thư Huyện ủy Châu Thành (từ tháng 12-1929 đến tháng 5-1930), đồng chí ra sức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03-02-1930). Từ đó, chi bộ Đảng ở các xã Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Bình Trưng, Đông Hòa, Long Hưng, Nhị Bình, Phước Thạnh, Thạnh Phú, Long Định, Tam Hiệp lần lượt được thành lập, làm hạt nhân nòng cốt lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01-5-1930, Huyện ủy Châu Thành do đồng chí làm Bí thư đã tổ chức bãi thị ở 07 chợ trên địa bàn huyện, bao gồm Chợ Giữa (xã Vĩnh Kim), Chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), Chợ Bưng (xã Tam Hiệp), Chợ Nhị Bình (xã Nhị Bình), Chợ Rau Răm (xã Phú Phong), Chợ Bình Đức (xã Bình Đức), Chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú) nhằm mục đích chống thuế chợ quá nặng. Cuộc bãi thị đồng loạt nổ ra, đã làm cho bọn chủ thầu các chợ buộc phải giảm tiền thuế chợ. Cuộc bãi thị giành thắng lợi. Song song đó, Huyện ủy Châu Thành còn tổ chức các cuộc mít - tinh ở các xã Long Hưng, Thạnh Phú, Long Định, Tam Hiệp, Nhị Bình với sự tham gia của đông đảo quần chúng. Tại các cuộc mít - tinh, quần chúng hô vang các khẩu hiệu:
- Hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!
- Hoan nghênh ngày Quốc tế Lao động 01-5!
- Đả đảo đế quốc Pháp!
- Đả đảo bọn cường hào quan làng phản động!
- Bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác!
- Thực hiện người cày có ruộng!
- Công nhân ngày làm 8 giờ, theo luật bảo hiểm!
- Ủng hộ Liên bang Xô viết!
Sau đó, cùng với Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, tiêu biểu là hai cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-5-1931 và nhân ngày chống chiến tranh đế quốc (01-8-1931). Các cuộc đấu tranh có sự tham gia tích cực của hàng ngàn quần chúng, diễn ra rất sôi nổi, quyết liệt, kết hợp nhiều hình thức, như mít - tinh, biểu tình thị uy, rải truyền đơn, treo băng khẩu hiệu, treo cờ đỏ búa liềm, đánh trống mõ, đốt pháo tre, đấu tranh chống cúp phạt, đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm tô, tăng tiền công cấy, công gặt, đập phá trụ sở của hương chức ở làng xã,… làm rúng động bộ máy thống trị của chính quyền thực dân từ tỉnh xuống cơ sở.
2. Đồng chí Trần Văn Vi trong công cuộc khôi phục tổ chức Đảng và phát triển phong trào cách mạng (1932-1935).
Sau Cao trào Cách mạng 1930-1931, bằng các cuộc đàn áp, khủng bố đẫm máu, thực dân Pháp tưởng có thể tiêu diệt được Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và dập tắt được phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Bản thân đồng chí Trần Văn Vi cũng bị chính quyền thực dân Pháp bắt. Tuy nhiên, ngay sau khi ra tù (tháng 10/1934), đồng chí đã tiếp tục hoạt động cách mạng, công tác tại Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ; sau đó, là Xứ ủy viên Xứ ủy lâm thời, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho do đồng chí làm Bí thư, vượt qua sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho vẫn tồn tại và vững vàng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được phục hồi và phát triển thêm. Các tổ chức quần chúng dưới các hình thức bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phong trào đấu tranh của nhân dân dần dần được khôi phục, tạo tiền đề cho cao trào cách mạng mới.
3. Đồng chí Trần Văn Vi với công tác chỉ huy quân sự trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược lần thứ hai đối với đất nước ta. Đầu tháng 11-1945. trước tình hình thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, Tỉnh ủy Mỹ Tho phân công đồng chí Trần Văn Vi tập hợp các đơn vị vũ trang ở các địa phương trong tỉnh để thành lập lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh. Ngày 07-11-1945, Chi đội Thủ Khoa Huân (còn gọi Bộ đội Thủ Khoa Huân) chính thức được thành lập do đồng chí làm Chi đội trưởng.
Dưới sự chỉ huy của đồng chí, Chi đội Thủ Khoa Huân nhanh chóng chia lực lượng ra bố trí thành ba mặt trận trên kênh xáng Lacomb (nay là kênh Nguyễn Tấn Thành), phối hợp với các mặt trận ở phía đông của tỉnh Mỹ Tho nhằm ngăn chặn địch đánh chiếm các huyện phía tây của tỉnh. Đồng thời, Chi đội Thủ Khoa Huân còn tiến hành đánh quân Pháp đi càn quét, tập kích các đồn bót, trấn áp bọn trộm cướp, trừ gian, giải tán các hội tề, trừng trị một số tên ác ôn làm tay sai cho Pháp, có nợ máu với nhân dân,…
Đặc biệt, trong điều kiện vũ khí còn hạn chế, bộ đội còn vận dụng sáng kiến của đồng chí là dùng ná làm súng bắn đạn lửa, thiêu hủy hàng loạt đồn địch ở kênh xáng Lacomb và một số đồn bốt ở các xã xung quanh, như Đông Hòa, Phú Phong, Bình Đức, Thân Cửu Nghĩa, Dưỡng Điềm,… làm địch hoảng sợ bỏ chạy.
Qua những hoạt động sôi nổi của Chi đội Thủ Khoa Huân đã minh chứng về tài năng, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo trong chỉ huy quân sự của đồng chí Trần Văn Vi. Chính vì thế, tháng 01-1948, đồng chí được cấp trên tin tưởng điều động về Quân khu 8, giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Chính trị Quân khu, phụ trách dân quân.
4. Đồng chí Trần Văn Vi với công tác đại đoàn kết toàn dân.
Tháng 5-1946, Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho được thành lập do đồng chí Trần Văn Vi làm Chủ nhiệm. Ngay sau đó, Mặt trận đã xúc tiến việc thành lập các đoàn thể cứu quốc, kể cả trong tôn giáo, như Phật giáo cứu quốc, Cao Đài cứu quốc, Hòa Hảo cứu quốc,… nhằm thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, chống âm mưu chia rẽ dân tộc và tôn giáo của thực dân Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, các phong trào yêu nước được phát động, như các phong trào “Hủ gạo kháng chiến”, “Cây chuối kháng chiến”, “Con gà cứu quốc”, “Mua công trái kháng chiến”; phong trào vận động công nhân, công chức, trí thức, học sinh rời bỏ thành thị, mang vào căn cứ cách mạng máy móc, thiết bị, vật liệu,… để xây dựng binh công xưởng, bệnh viện, nhà in,… phục vụ kháng chiến; phong trào vận động nhân dân tự nguyện đóng góp đồ thờ cúng, vật gia dụng bằng đồng để cho các binh công xưởng đúc đạn đánh quân Pháp,…
Các phong trào đó đã thu hút đông đảo của các tầng lớp nhân dân và tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia, làm cho uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận được phát triển sâu rộng trong đồng bào các giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng.
5. Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ Trần Văn Vi có vai trò quan trọng trong chỉ đạo việc chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ ngày 20-3-1945 đến tháng 5-1945, đồng chí Trần Văn Vi giữ trọng trách là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ.
Xứ ủy lâm thời Nam kỳ (nhóm Giải Phóng), do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư, lấy báo Giải phóng làm cơ quan ngôn luận của Xứ ủy, tờ báo làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, hướng dẫn phong trào đấu tranh cho toàn Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ. Đồng thời, Xứ ủy còn ra thêm báo Độc lập để phục vụ công tác vận động cách mạng.
Đồng chí đã chỉ đạo thành lập hệ thống tổ chức Đảng ở các địa phương. Từ đó, Xứ ủy lâm thời Nam kỳ (nhóm Giải Phóng) đã tổ chức được 10 tỉnh ủy lâm thời và 06 ban cán sự Đảng lâm thời ở các tỉnh trên địa bàn Nam kỳ. Đây là bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Giải phóng. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Văn Vi đã phân công các đồng chí Xứ ủy viên phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị vả vũ trang, sắm sửa vũ khí, huấn luyện quân sự, hậu cần, thông tin liên lạc,… nhằm chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết trong những ngày sục sôi tiền khởi nghĩa để khi có thời cơ thuận lợi lãnh đạo nhân dân tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền và nền độc lập, tự do cho đất nước.
6. Đồng chí Trần Văn Vi, tấm gương kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trong nhà tù thực dân.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Văn Vị bị địch bắt giam trong nhà tù đến ba lần, trong đó lần thứ ba, đồng chí bị giam giữ lâu nhất: 10 năm, từ tháng 4-1935 đến tháng 3-1945 tại Bà Rá (nay thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Lúc bấy giờ, Bà Rá là vùng “sơn lam chướng khí” sát với biên giới Campuchia. Mục đích của thực dân Pháp là lợi dụng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, nhất là bệnh sốt rét, để tận diệt tù nhân.
Trong ba lần bị địch giam cầm ở trong nhà tù, mặc dù bị tra tấn dã man và chế độ đày ải cực kỳ khắc nghiệt, nhưng đồng chí vẫn giữ vững ý chí cách mạng, khí tiết kiên trung trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, cương quyết giữ bí mật của tổ chức.
Trong nhà tù thực dân, địch áp dụng chế độ tra tấn, cấm cố hà khắc. Tất cả các phòng đều chật cứng tù nhân, hạn chế tắm rửa, khẩu phần ăn tồi tệ và sử dụng mọi cực hình tra tấn. Có những lần, bọn chúng cắt toàn bộ rau, đồ tươi, gạo đỏ, ép ăn gạo mốc trắng, tù nhân bị sưng nướu chân răng, kiết lỵ, tiêu chảy, phù thũng,… Kẻ địch quyết tâm giết chết người tù cộng sản, lấy cái chết để tác động tư tưởng, ép buộc phải phản bội, cung khai. Thâm độc hơn, khi phát hiện tù nhân gần chết, địch sẽ dụ dỗ đầu hàng để được chữa bệnh,…
Vượt lên trên tất cả những đày ải khổ cực, đồng chí cũng như tất cả tù nhân cộng sản vẫn giữ vững khối đoàn kết. Ngoài thời gian dành cho việc trao đổi bàn bạc kế hoạch đối phó với địch, đồng chí và các tù chính trị khác dành thời gian cho việc học tập và tu dưỡng bản thân. Đối với các chiến sĩ cách mạng, nhà tù thực dân thực sự là một trường học lớn, mà bài học lớn nhất là sự thử thách tình yêu đối với Tổ quốc, sự kiên trung đối với Đảng và khí tiết cách mạng. Đồng chí đã vượt qua nỗi đau về thể xác, kiên cường chịu đựng và tích cực tham gia học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, lý tưởng và đường lối cách mạng của Đảng với một niềm tin mãnh liệt là trở về với quê hương, với cách mạng, với đồng bào, đồng chí, cùng nhau tiếp bước trên con đường giải phóng dân tộc.
Đồng chí Trần Văn Vi là một đảng viên trung thành với lý tưởng cộng sản, suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chấp hành mọi sự phân công của Đảng, luôn gần gũi, quý trọng nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và Tổ quốc; là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, noi theo. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Văn Vi sẽ được lưu giữ mãi mãi trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”.
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của đồng chí Trần Văn Vi là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và dân tộc; qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, dân chủ, hạnh phúc và văn minh.
Nguyễn Văn Thảnh