Tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện

Nghị quyết 45-NQ/TW nêu rõ 3 quan điểm của Đảng ta về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề tại hội nghị. (Ảnh: TA)
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn.

Việc thể chế hóa Nghị quyết được quan tâm; cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Cùng với đó, nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ, văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao của đội ngũ trí thức góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn.
Trong khi đó, cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng…

Ngày 24/11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ký ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày 3 quan điểm của Đảng ta khi xây dựng và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TƯ, trên cơ sở kế thừa các nội dung quan trọng của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ. Trong đó, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững.

 Quan điểm thứ nhất: Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm thứ hai: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.  

 Quan điểm thứ ba: Động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.

Theo đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ những mục tiêu đến năm 2030 trong Nghị quyết 45-NQ/TW. Trong đó, phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng vạch rõ, mục tiêu phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới...
Tăng số lượng phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao; công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Nâng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế
Về tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

Nghị quyết số 45-NQ/TW đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vị trí, vai trò quan trọng của trí thức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

Nguyễn Văn Thảnh
(Theo Tạp chí Tuyên giáo Trung ương)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây