Người dân cần nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19

Thời gian qua, để phòng, chống dịch COVID-19 cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cả nước, của tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động, sẵn sàng các điều kiện ứng phó với mọi tình huống.

Người dân cần nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân
Riêng với tỉnh Tiền Giang, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn của tỉnh đã khẩn trương, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đa số người dân đều đồng tình và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, khuyến cáo Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của tỉnh nên tình hình dịch bệnh  trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; số ca nhiễm trong cộng đồng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm, số bệnh nhân khỏi bệnh là hơn 80%.

Tuy dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát nhưng khả năng lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trở lại là rất cao, khi mà sự di chuyển của người dân tương đối nhiều giữa các địa phương trong tỉnh, liên tỉnh, một bộ phận người dân còn có sự chủ quan, lơ là, thậm chí thiếu ý thức trong phòng, chống dịch, người dân không thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Tính đến ngày 11/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã có 19.516 bệnh nhân COVID-19; có 424 ca tử vong, nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng, một số ca lây nhiễm trong cơ quan, đơn vị và xuất hiện ổ dịch trong công ty, doanh nghiệp đã xảy ra,...

Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục tích cực tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và vận động người dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép, lấy việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất. Các địa phương chủ động các phương án, kịch bản chống dịch có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ. Rà soát các nguồn bệnh, mầm bệnh, khoanh vùng, truy vết, cách ly thần tốc, không để bùng phát, lây lan và hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là 5K; hệ thống y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin an toàn, đảm bảo đúng tiến độ; nâng cao năng lực, chuyên môn cho hệ thống y tế cơ sở.

Đồng thời, ngành y tế chủ động xây dựng, tiếp nhận và tổ chức triển khai các kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin ngay khi được phân bổ. Tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch COVID-19 theo cấp độ dịch; nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn. Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại địa phương, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Tổ chức xét nghiệm, tầm soát, cách ly và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của địa phương; đồng thời thực hiện giám sát chặt diễn biến dịch trên địa bàn để nhanh chóng xử lý các ổ dịch mới phát sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh những giải pháp trên thì yếu tiên quyết và quan trọng dẫn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ý thức của người dân, nhất là ý thức của người dân về tiêm vắc xin và ý thức người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (5K). Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, chứ không phải là loại vắc xin của nước nào sản xuất là tốt hơn, tất cả các loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép và cho phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay là vắc xin đã đảm bảo về chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, người dân cần có ý thức tốt về việc tiêm vắc xin, khi có vắc xin và được chính quyền, cơ quan Y tế thông báo đến tiêm vắc xin thì người dân hãy khẩn trương và trách nhiệm trong việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vận động gia đình, người dân tham gia tiêm ngừa.

Ngoài yếu tố tiêm vắc xin thì ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân có tính chất quyết định. Do vậy, mỗi người dân không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của tỉnh như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Tất cả vì sự đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

 
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây