Người dân cần cảnh giác trước các tin đồn cố ý làm hoang mang dư luận xã hội

Theo Công an huyện Gò Công Tây cho biết, thời gian gần đây có một số đối tượng xấu tung tin đồn không đúng sự thật về an ninh trật tự gây ảnh hưởng làm hoang mang dư luận xã hội. Cụ thể gần đây trong dư luận xuất hiện các tin đồn về các phòng khám bệnh tư nhân của các bác sĩ tại xã Bình Nhì và xã Đồng Thạnh huyện Gò Công Tây bị các đối tượng dùng hung khí tấn công đe dọa cướp tài sản. Công an huyện Gò Công Tây đã tiến hành xác minh tại tất cả các phòng khám bệnh tư nhân của các bác sĩ tại các xã hoàn toàn không có bị cướp tài sản, Công an huyện xác định các tin đồn trong dư luận là không đúng sự thật.

Người dân cần cảnh giác trước các tin đồn cố ý làm hoang mang dư luận xã hội

Công an huyện Gò Công Tây đề nghị người dân nên cảnh giác trước các nguồn thông tin trong dư luận xã hội và cả những thông tin trên mạng xã hội, đây là những thông tin bịa đặt, thường do các cá nhân thiếu hiểu biết tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Âm mưu của các thế lực thù địch tán phát thông tin xấu, độc nhằm kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động đồi trụy, bạo lực, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút… Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến nhận thức của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên môi trường mạng Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay lãi nặng, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm công nghệ cao như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…

Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời phát hiện, tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chống những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta, thì các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nhận diện, đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh, phản bác thông tin không đúng, ngộ nhận, mơ hồ, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong tuyên truyền đấu tranh, phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác…

Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người dân cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin, ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, người dân cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét… không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực…

Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận đúng đắn, qua đó kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

 

Kim Lan.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây