Công bố thông tin dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền)

Công bố thông tin dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền)

Bản đồ tổng hướng tuyến đường tỉnh 864

Sở GTVT công bố thông tin dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) như sau:

1. Tên dự án: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền)

2. Cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư: Hội đồng nhân dân tỉnh (Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 17/9/2021).

3. Cơ quan phê duyệt dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh

4. Chủ đầu tư và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang

5. Sự cần thiết đầu tư: 
Trong những năm qua, Đường tỉnh 864 đoạn từ thành phố Mỹ Tho đến huyện Cái Bè đã phát huy tốt vai trò là trục giao thông kết nối giữa vùng Trung tâm và vùng phía Tây của tỉnh. Đồng thời, tuyến góp phần tích cực trong việc khai thác hiệu quả quỹ đất dọc bờ sông Tiền, phát huy được tính đồng bộ của hệ thống giao thông thủy - bộ, thúc đẩy hình thành các cụm, tuyến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dọc theo bờ sông Tiền như: khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An, cụm công nghiệp Song Thuận, cụm công nghiệp Mỹ Thuận, các khu du lịch sinh thái dọc sông Tiền… (xem chi tiết vị trí trên bản đồ) và phát triển các khu đô thị, dân cư như thành phố Mỹ Tho, Bình Đức, Vĩnh Kim, thị trấn Cái Bè... qua đó, tuyến đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Đường tỉnh 864 hiện tại sẽ được nối dài (Đường dọc sông Tiền) bắt đầu từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) và kết thúc tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), kết nối với tuyến đường đê biển và đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Chiều dài toàn tuyến khoảng 111,2km, trong đó đoạn từ thị trấn Cái Bè đến thành phố Mỹ Tho dài khoảng 35 km đã được đầu tư hoàn thiện trong thời gian qua. Khi cầu Vàm Cái Thia đầu tư hoàn thành (dự kiến trong năm 2022) sẽ thông toàn đoạn tuyến từ Tp Mỹ Tho đến cầu Mỹ Thuận; Các đoạn còn lại là từ cầu Mỹ Thuận đến Quốc lộ 30 và đoạn từ Tp Mỹ Tho đến huyện Gò Công Đông là chưa có tuyến kết nối liên tục các vùng với nhau.

Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc liên kết vùng, cụ thể là liên kết giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc kết nối với Quốc lộ 30 để đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang...; kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 để đi các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh... và kết nối với QL.50, đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến hình thành trong tương lai. Đồng thời, Đường tỉnh 864 nối dài sẽ thúc đẩy việc liên kết giữa các vùng kinh tế đô thị trong tỉnh, cụ thể là vùng Trung tâm (thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo) với vùng phía Tây (huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Tân Phước) và vùng phía Đông (huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông, thị xã Gò Công). Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tuyến đường chạy dọc theo sông Tiền (tuyến hàng hải Quốc gia) đến cửa biển, đồng thời để kết nối với tuyến Đường tỉnh 864 hiện hữu, hình thành nên trục giao thông xuyên suốt từ huyện Cái Bè về đến huyện Gò Công Đông.


6. Mục tiêu đầu tư:
Việc đầu tư để thông toàn tuyến Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) sẽ đẩy mạnh quá trình liên kết vùng và phát triển kinh tế xã hội, qua đó đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Tiền Giang thông qua việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như:

Về phát triển đô thị: Góp phần chỉnh trang đô thị thành phố Mỹ Tho về phía Đông, từ đó lan tỏa dần về phía huyện Chợ Gạo, thúc đẩy phát triển đô thị.

Về phát triển công nghiệp: Tạo điều kiện để hình thành các Cụm công nghiệp ở huyện Chợ Gạo (cụm công nghiệp Bình Ninh), huyện Gò Công Tây (cụm công nghiệp Long Bình, cụm công nghiệp Vàm Giồng)... và khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông)

Về thương mại dịch vụ: Tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch ở huyện Cái Bè, thành phố Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông, đặc biệt là du lịch sinh thái sông nước với hệ thống cảng du thuyền, cảng Mỹ Tho, dịch vụ logistics...

Về phòng chống sạt lở và ứng phó biến đổi khí hậu: Việc kết hợp đầu tư kè ở một số đoạn trên tuyến đường này sẽ góp phần phòng chống sạt lở và đê bao ngăn triều cường, chống xâm nhập mặn dọc sông Tiền.

Về đảm bảo an toàn giao thông: Tuyến đường sẽ góp phần điều tiết giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc  lộ 50 khi xảy ra ùn tắc giao thông. Hình thành tuyến vận tải hành khách xuyên suốt của tỉnh.

Về quốc phòng an ninh: Phá thế độc đạo của Quốc lộ 50 nối từ Vùng phía Đông đến Vùng Trung tâm của tỉnh qua đó góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.

Phát triển kinh tế biển: Góp phần phát triển kinh tế biển, hình thành nên các khu đô thị, khu kinh tế dọc theo bờ biển Đông, phát triển dịch vụ nghề cá...


7. Địa điểm xây dựng:
Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án đi qua các huyện Cái Bè ( gồm thị trấn Cái Bè và các xã Tân Thanh, An Hữu, Hòa Hưng, Mỹ Lương, Mỹ Đức Đông, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp), huyện Chợ Gạo (gồm các xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh), huyện Gò Công Tây (gồm các xã Vĩnh Hựu, Long Bình, Bình Tân), huyện Gò Công Đông (gồm các xã Phước Trung, Tăng Hòa, Tân Thành) và thành phố Mỹ Tho (phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh).


8. Dự kiến quy mô đầu tư:
Đầu công trình: Kết nối vào Quốc lộ 30 tại đường vào bia chiến thắng Rạch Ruộng thuộc xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, cuối công trình: Ngã tư biển Tân Thành thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

- Tổng chiều dài tuyến: Khoảng 111,2km (trong đó làm làm mới khoảng 36,4km thuộc TP Mỹ Tho và các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, nâng cấp mở rộng khoảng 26,3km thuộc các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông, tận dụng hoàn toàn 48,5km Đường tỉnh 864 hiện hữu thuộc các huyện Cai Lậy và Châu Thành)

- Phần nền và mặt đường: Xây dựng mới, nâng cấp mở rộng mặt đường đạt quy mô chiều rộng mặt đường Bmặt = 7-11m, chiều rộng nền đường Bnền = 9-12m.

Phần cầu trên tuyến: Xây dựng mới các cầu trên tuyến với khổ cầu 12m, tải trọng HL93.

Phần cống: Xây dựng mới các cống trên tuyến với chiều dài phù hợp với quy mô nền đường, tải trọng HL93.

Các công trình phụ trợ, đảm bảo an toàn giao thông: Xây dựng các đèn tín hiệu, chiếu sáng, hệ thống thoát nước dọc…. tại các khu vực nguy hiểm.


9. Tổng mức đầu tư dự án: 3.263 tỷ đồng

10. Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.200 tỷ đồng và ngân sách tỉnh.

11. Thời gian thực hiện dự án: Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027.
* Giai đoạn đầu tư từ 2022 đến 2025 (giai đoạn 1) gồm các phân đoạn:
- Phân đoạn từ Tp Mỹ Tho đến ĐT.877B và Cầu Vàm Giồng;
- Phân đoạn từ Long Bình (giao ĐT.877) đến Đèn Đỏ (giao ĐT.862);

* Giai đoạn đầu tư từ 2026 đến 2027 (giai đoạn 2) gồm các phân đoạn:
- Phân đoạn từ Đèn Đỏ (giao ĐT.862) đến Tân Thành (cuối dự án);
- Phân đoạn từ QL.30 (đầu dự án) đến QL.1 (cầu Mỹ Thuận 1);
- Phân đoạn từ QL.1 (cầu Mỹ Thuận 1) đến thị trấn Cái Bè (giao ĐT.875);


12. Phương án giải phóng mặt bằng: Giải tỏa đất đai, nhà cửa để xây dựng công trình.

File Sơ đồ kích thước lớn

 

Nguồn: Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây