Bệnh đau mắt đỏ tại huyện Gò Công Tây tăng nhanh trong thời gian gần đây

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại huyện Gò Công Tây, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng lây lan ở nhiều nơi và có số trường hợp mắc bệnh tăng dần.

Bệnh đau mắt đỏ tại huyện Gò Công Tây tăng nhanh trong thời gian gần đây

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là bệnh viêm kết mạc mắt cấp tính) trên địa bàn huyện tăng nhanh. Tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, nếu như trước đây, Trung tâm chỉ khám và điều trị bình quân 07 - 10 trường hợp/tháng thì thời gian gần đây số trường hợp đến khám và điều trị bệnh này tăng mạnh. Cụ thể: Tính đến nay, có hơn 2.000 trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế, mỗi ngày tiếp nhận từ 15 - 50 trường hợp đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ, tăng trên 10 lần so với trước khi bùng phát bệnh này. Các Trạm Y tế xã, thị trấn trong toàn huyện cũng đã ghi nhận trên 850 trường hợp bệnh đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Bệnh đau mắt đỏ xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chỉ có nguyên nhân do Adeno virus là dễ lây lan và có thể gây thành dịch. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, xuất hiện rải rác quanh năm ở mọi nơi, tăng lên vào mùa khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thời gian ủ bệnh ngắn từ 12 - 24 giờ. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ gồm: Mắt đau, cộm, cảm giác như cát trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều rỉ (ghèn), có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt; mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, vài ba ngày có thể lây lan sang đến mắt thứ hai... Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em), thị lực hầu như không ảnh hưởng. Các triệu chứng trên thường xuất hiện khoảng 03 ngày đầu và giảm dần, thoái lui sau khoảng 10 ngày, đại đa số lành tính, ít để lại di chứng. Một số ít trường hợp có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có dịch màu hồng...) đau kéo dài có khi hàng tháng nếu không được bóc giả mạc. Một số trường hợp có thể có biến chứng viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực. Viêm kết mạc trên người có các bệnh mạn tính khác về mắt như: Mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo... sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm...

Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt vào mùa mưa, virus có từ người bệnh và từ nguồn nước ô nhiễm lây lan sang người khác thông qua vật dụng dùng chung, ruồi, tiếp xúc qua tay và qua đường hô hấp; thời gian ủ bệnh ngắn từ 12 - 24 giờ. Ngành Y tế huyện Gò Công Tây đã khuyến cáo, để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khăn mặt riêng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, khi có những triệu chứng bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không được tự ý nhỏ, đắp thuốc vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa; nên đeo kính râm để hạn chế lây lan và giảm kích thích mắt, không nên xem ti vi, đọc sách báo, sử dụng máy tính... Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, trong vùng có dịch (hoặc có nhiều người mắc bệnh) nên hạn chế các hoạt động tập trung đông người và không nên đến các bể bơi công cộng.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này nên mọi người nên có ý thức phòng bệnh và cần được ngành Y tế can thiệp kịp thời khi bị mắc bệnh. Hiện nay, tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, là điều kiện để virus Adeno-virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển. Do đó người dân không nên chủ quan, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn huyện Gò Công Tây nói chung.

Kim Lan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây