Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tại Trung tâm Chính trị cấp huyện

Thứ hai - 07/10/2024 01:36
Công tác giáo dục lịch sử truyền thống là sự chuyển giao một di sản quý báu của dân tộc cho thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để họ có cơ sở hiểu được một quá khứ gian khổ, đau thương nhưng đầy vinh quang, anh dũng mà bao thế hệ trước đã đấu tranh gìn giữ, hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay. Từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, bởi đây là ý thức và hành động “có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Biểu dương các học viên có thành tích xuất sắc tại Lễ Bế giảng lớp đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị, hệ tập trung khóa 15, năm 2023.
Biểu dương các học viên có thành tích xuất sắc tại Lễ Bế giảng lớp đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị, hệ tập trung khóa 15, năm 2023.
Những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, của địa phương đã giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện có lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt của Đảng. Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương luôn là đích đến mà các cấp uỷ đảng, đội ngũ giảng viên và học viên tại Trung tâm Chính trị cấp huyện đang hướng đến, đây thật sự là công tác hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế cho thấy hàng năm, Trung tâm tổ chức gần 20 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ với hơn 2.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng tham dự. Trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị đã lồng ghép những nội dung lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ địa phương một cách phù hợp với từng đối tượng, loại hình lớp, đặc biệt đối với ba loại hình đào tạo, bồi dưỡng chính của Trung tâm: đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng đảng viên mới và bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Qua đó, giáo dục truyền thống khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, củng cố niềm tin của  cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy và thúc đẩy sự tận tâm cống hiến của tuổi trẻ tham gia xây dựng và phát triển địa phương có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tuy nhiên, thực tế công tác này tại địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định, tính hiệu quả chưa cao. Hiểu biết của một số học viên về lịch sử Đảng, lịch sử địa phương còn quá ít. Dù được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất Gò Công nhưng không phải học viên nào cũng trả lời được câu hỏi: Dòng họ nào giúp khai khẩn đất Gò Công và Người đã dẫn cả gia đình đến và chiêu mộ dân chúng khai phá đất đai, mở mang sản xuất để Gò Công ngày càng thịnh vượng là ai? Và trên mãnh đất này có 2 bà hoàng nổi tiếng sử Việt là ai? Rồi ai được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái? Và vì sao lại mang tên Gò Công?... Mỗi chúng ta thường tiếp xúc, đi qua nhiều cung đường mang tên nhân vật lịch sử gắn với lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương mà không biết rõ họ là ai cũng như những chiến công, cống hiến gắn với tên tuổi của họ.

Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương luôn là đích đến mà cấp ủy Đảng, đội ngũ giảng viên và học viên tại các Trung tâm Chính trị huyện hướng đến. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong thời gian tới, xin đề xuất tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Một là, các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện uỷ Gò Công Tây về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng"; tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Trọng tâm là chỉ đạo Trung tâm Chính trị đưa nội dung giảng dạy lịch sử Đảng bộ các cấp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên bằng nhiều hình thức phong phú; tổ chức hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các cấp, tạo điều kiện tổ chức tham quan về nguồn cho giảng viên và học viên... Thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi thì nơi đó công tác tuyên truyền, giáo dục đạt kết quả tốt.

Hai là, Trung tâm Chính trị cần xác định rõ vị trí, vai trò của chuyên đề về lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong chương trình giảng dạy lý luận chính trị cho học viên. Đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Chính trị cấp huyện được chỉ rõ trong Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Ngoài những chuyên đề theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với lồng ghép phù hợp chuyên đề về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ địa phương nhằm giúp cho học viên hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương mình.

Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn về công tác lịch sử Đảng, có trách nhiệm với nghề. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kiện toàn đội ngũ giảng viên làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài.

Để bổ sung tư liệu về lịch sử đất nước, truyền thống dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử địa phương trong các bài giảng của giảng viên, Trung tâm Chính trị cần tổ chức cho đoàn giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại các điểm di tích, địa danh lịch sử, văn hoá gắn liền với truyền thống lịch sử dân tộc và cách mạng Việt Nam trên địa bàn và cả nước.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức cho học viên cuối khóa đi thực tế, về nguồn thăm địa chỉ đỏ, đến thăm gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn để thấy được những cống hiến, hy sinh lớn lao của thể hệ đi trước đã ngã xuống, từ đó phấn đấu và cống hiến trong công tác, xứng đáng với truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin đến học viên thời gian, địa điểm tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh, huyện; sinh hoạt truyền thống định kỳ... để học viên tìm hiểu, tham gia.

Ba là, đội ngũ giảng viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Giảng viên dạy bộ môn Lịch sử Đảng và lịch sử địa phương cần lựa chọn nội dung phù hợp cho các đối tượng học viên, loại hình lớp khác nhau. Tài liệu giảng dạy cần cập nhật thường xuyên để chuyển tải kết quả sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp qua các nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo mối liên kết, liên hệ thực tiễn cho học viên dễ hiểu, dễ ghi nhớ.

Hàng năm, các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của huyện được phát hành rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị tại các thư viện ở huyện, phường, xã, thị trấn nên đội ngũ giảng viên rất dễ dàng tiếp cận được. Huyện và các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học, tọa đàm nhân kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước, về các nhân vật tiền bối, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước... đã góp phần bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của đất nước và địa phương. Mặt khác, mỗi giảng viên cần tự chủ động đi cơ sở để tìm hiểu, bổ sung kiến thức thực tiễn trong từng bài giảng của mình, qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong hoạt động giảng dạy.

Để mang lại hiệu quả cao, mỗi giảng viên cần tập trung đổi mới phương thức giảng dạy, đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin, nâng cao tính định hướng và sức thuyết phục kết hợp đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nhằm xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, bôi nhọ cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Gắn hoạt động dạy học với trao đổi, đối thoại, vừa nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của học viên.

Bốn là, học viên trong quá trình học tập cần chủ động tiếp thu, rèn khả năng tự học, nâng cao ý thức trong quá trình học lịch sử Đảng, lịch sử truyên thống. Đây là cách giúp mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng hun đúc lòng yêu nước, rèn bản lĩnh chính trị để tự khẳng định vị trí của mình trong cuộc đời, trong sự nghiệp tương lai. Đây cũng là cách đáp lại sự quan tâm của các cấp ủy khi cử đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị, phục vụ công tác.

Nhiều học viên trong quá trình học cũng như sau khi kết thúc khóa học đã quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong những đợt sinh hoạt chính trị, họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương.

Khi nói về giá trị của lịch sử, truyền thống, nhà phê bình văn học người Anh - Henry James nói: “Truyền thống dù chỉ một chút nhỏ cũng tốn lượng lịch sử vô tận để tạo ra”. Truyền thống lịch sử dầu lâu đời đến mấy, dầu vĩ đại và có sức hấp dẫn lớn đến đâu vẫn có thể bị mai một nếu như người trong cuộc, nhất là người kế thừa không có hiểu biết, không có sự trân trọng, không phát huy giá trị truyền thống. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, vai trò của hoạt động bồi dưỡng, giáo dục, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tại Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây