Banner 30-4-2024

Một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở địa bàn huyện Gò Công Tây

Thứ hai - 22/08/2022 02:31

Công tác tuyên truyền miệng trong quán triệt thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, đoàn, hội viên và toàn thể nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; là cầu nối giữa Đảng với dân, có ý nghĩa quyết định trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời góp phần quan trọng vào nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội trên địa bàn huyện.
Đ/c Nguyễn Xuân Nam - HUV. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt báo cáo tại Hội thị báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp huyện năm  2021

Đ/c Nguyễn Xuân Nam - HUV. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt báo cáo tại Hội thị báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp huyện năm 2021

Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X), ngày 15-10-2007 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời những kinh nghiệm phong phú rút ra từ thực tiễn công tác tư tưởng của Đảng; những ưu thế đặc biệt của công tác tuyên truyền miệng. Vì vậy, cần khai thác và phát huy những thế mạnh của hình thức này mà các hình thức khác không thể thay thế được. Mặt khác, trước sự nghiệp đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN và trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng hiện nay thì công tác tuyên truyền miệng càng không thể thiếu, không thể yếu của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở.

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Huyện ủy Gò Công Tây đặc biệt quan tâm lựa chọn, xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền miệng từ huyện đến cơ sở nhằm phát huy lợi thế của phương thức tuyên truyền miệng trong việc đưa thông tin, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn hội viên và nhân dân. Hiện nay toàn huyện có 30 báo cáo viên từ huyện đến cơ sở và 126 tuyên truyền viên hoạt động tích cực, góp phần làm cho công tác tuyên truyền miệng ngày càng đa dạng, phong phú, có tính thời sự cao. Các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và của địa phương; những thông tin thời sự trong nước và quốc tế, tình hình biển đảo, biên giới quốc gia… được các báo cáo viên tuyên truyền kịp thời và có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, báo cáo viên, tuyên truyền viên đã biết lồng ghép phổ biến quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước với các nội dung khác như: liên hệ thực tế phong phú, sinh động trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của từng địa phương, đơn vị, nhiều lĩnh vực như: bảo vệ tài nguyên môi trường, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phổ biến giáo dục Pháp luật, chính chính sách hỗ trợ nông dân, ngư dân, chính sách người nghèo, người có công với cách mạng… làm cho buổi tuyên truyền phong phú, thu hút được người nghe, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực và sự đồng thuận về tư tưởng chính trị trong Đảng và quần chúng ngày càng cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện còn gặp phải những khó khăn, hạn chế đó là: Một số báo cáo viên ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu và ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay; việc bồi dưỡng, học tập nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện tiếp cận, cập nhật những thông tin mới chưa kịp thời. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác tuyên truyền miệng còn đơn giản, chưa theo kịp với tình hình hiện nay; những vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn chậm được giải quyết và định hướng thông tin kịp thời, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với dư luận xã hội kể cả dư luận tích cực và dư luận tiêu cực. Mặt khác, sự bùng nổ thông tin làm cho các sự kiện, hiện tượng được lan truyền nhanh chóng. Nhiều thông tin trở thành dư luận xã hội tích cực, nhưng cũng có không ít thông tin trở thành dư luận tiêu cực, đi ngược lại với lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Do đó, vai trò của cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền miệng để định hướng dư luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hướng dẫn, thúc đẩy dư luận tích cực, khắc phục dư luận tiêu cực, tạo được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Có được kết quả quan trọng trong ổn định tình hình tư tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong suốt những năm qua không thể không nói đến vai trò, tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở, xin được nêu ra một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở địa bàn huyện Gò Công Tây như sau:

Trước hết, phải xác định đội ngũ báo cáo viên là công cụ quan trọng hàng đầu, là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng. Nhận thấy được điều đó, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo huyện ủy - cơ quan tham mưu giúp việc cho Huyện ủy khảo sát, thăm dò, xây dựng đội ngũ báo cáo viên có phẩm chất chính trị, có đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng truyền đạt trước đám đông và có trình độ nhất định, ngoài ra xác định một báo cáo viên không chỉ có trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm mà còn phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết, tác phong gần gũi quần chúng… tham mưu đề xuất cấp ủy Quyết định thành lập. Đi liền với việc thành lập đội ngũ báo cáo viên cấp Huyện, Ban Tuyên giáo soạn thảo tham mưu với huyện ủy Quyết định ban hành Quy chế làm việc của báo cáo viên nhiệm kỳ 2020-2025, đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ kỷ luật phát ngôn trong Đảng; tổ chức tốt giao ban, hội nghị; hằng tháng được Ban Tuyên giáo tỉnh ủy triệu tập, Ban Tuyên giáo huyện ủy chọn lựa, bố trí báo cáo viên tham gia hội nghị Báo cáo viên của Tỉnh, của Trung ương sát với từng chuyên đề, nội dung và gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng báo cáo viên.

Thứ hai, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các chi ủy chi bộ, nhất là các Đảng bộ xã, thị trấn nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình hiện nay. Mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, các đồng chí cấp uỷ viên là những người trực tiếp tuyên truyền cho quần chúng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên hoạt động có hiệu quả, đồng thời thường xuyên nâng cao phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu bởi vì: phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên chính là sự hiểu biết sâu sắc lý luận với thực tiễn, trung thành tuyệt đối với mục tiêu lý tưởng của Đảng, không hoang mang dao động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, luôn nêu cao cảnh giác, có lập trường đúng đắn trước những dư luận; nếu dư luận, hiện tượng đó có lợi cho tập thể, có lợi cho nhân dân thì cần tích cực tuyên truyền, ngược lại thì phải dập tắt, ngăn ngừa, tránh để dư luận tiêu cực lây lan làm mất lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba, Ban Tuyên giáo huyện ủy cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cho Bí thư Đảng ủy, Bí thư các chi bộ cơ sở những tài liệu chính thống phục vụ cho công tác tuyên truyền. Trong truyền đạt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, phương pháp hoạt động chủ yếu là tuyên truyền trực tiếp, do vậy báo cáo viên phải nói đúng, chính xác, lập luận chặt chẽ, chất lượng thông tin cao, có phân tích, có nhận định và định hướng thuyết phục. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc từ thực tiễn cuộc sống mà các phương tiện thông tin đại chúng không có điều kiện phân tích, nhận định, đánh giá cụ thể thì người tuyên truyền miệng trực tiếp có thể làm được và làm rất hiệu quả. Đối với dư luận xã hội được lan truyền theo hướng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin. Đó cũng chính là quá trình người cán bộ, đảng viên, báo cáo viên với vai trò là chủ thể dư luận xã hội biết chọn lọc thông tin làm cho thông tin đó dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với mọi cá nhân, nhất là trong quần chúng nhân dân. Do đó, để cán bộ, đảng viên tránh tiếp nhận những thông tin một chiều, phiến diện dẫn đến phản ánh sai lệch làm ảnh hưởng đến nhận thức của tập thể, của từng cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên phải cung cấp các thông tin liên quan phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, có địa chỉ cụ thể để mọi người thống nhất quan điểm, tích cực ngăn ngừa những tin đồn thất thiệt, thông tin thiếu căn cứ, góp phần tạo dựng niềm tin trong Đảng, trong đoàn, hội viên và nhân dân.

Thứ tư, trong những năm qua, cấp ủy Huyện không ngừng tập trung xây dựng chi bộ, tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến thôn trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tiêu cực để kẻ xấu lợi dụng phát tán, thổi phồng tin đồn, tạo dư luận xấu. Tăng cường thông tin, coi trọng đối thoại, Ban Tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên các cấp tích cực nắm bắt và phát hiện để thông tin kịp thời với cấp uỷ, người đứng đầu về tình hình tư tưởng ở cơ sở và trở thành cầu nối đưa thông tin chính thống có định hướng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Tóm lại, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện Gò Công Tây trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc định hướng dư luận xã hội, là việc làm hiệu quả, thiết thực góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình tư tưởng và tâm trạng xã hội. Đó không chỉ là nội dung mà còn là hình thức để tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự đoàn kết nội bộ, đồng thời cũng là giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, thất thiệt, thiếu căn cứ nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện./.


Tài liệu tham khảo:
Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X), ngày 15-10-2007 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn