Huyện Gò Công Tây, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở - Nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững

Thứ hai - 19/05/2025 08:30
Gần ba thập kỷ triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã và đang từng bước xây dựng một nền dân chủ thực chất, hiệu quả đúng phương châm “ý Đảng lòng dân”, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trở thành động lực quan trọng không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện nhà.
Đ/c Huỳnh Thanh Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện gặp gỡ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã Đồng Thạnh.
Đ/c Huỳnh Thanh Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện gặp gỡ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã Đồng Thạnh.

KHƠI DẬY, PHÁT HUY SỨC MẠNH TỪ NHÂN DÂN ĐỂ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Vào thời điểm năm 1998, khi mới triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Gò Công Tây là một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, vừa tròn 19 năm tái lập, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng suất thấp; hạ tầng yếu kém, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn rất ít. Việc triển khai Chỉ thị 30-CT/TW trong điều kiện xuất phát điểm thấp là một thách thức lớn. Chính từ đó, huyện Gò Công Tây đã xác định rõ: Phát huy dân chủ ở cơ sở là giải pháp đột phá để củng cố niềm tin của người dân, từ đó huy động nguồn lực to lớn từ Nhân dân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về quyền làm chủ của Nhân dân, huyện Gò Công Tây đã tập trung quán triệt, triển khai, tuyên truyền các nội dung cốt lõi của Chỉ thị 30-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Những khái niệm còn xa lạ với nhiều người dân lúc bấy giờ như “thanh tra nhân dân”, “giám sát cộng đồng”, “đối thoại nhân dân”, “nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”… dần trở thành thực tiễn, đi vào đời sống cộng đồng dân cư.

Dân chủ cơ sở ở Gò Công Tây đã trở thành công cụ thiết thực để người dân tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng chính sách và giám sát các quyết sách liên quan đến cuộc sống của mình. Cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa thông qua nhiều kênh như hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, quy ước tại các ấp, khu phố. Qua từng giai đoạn, Gò Công Tây từng bước hoàn thiện thể chế và hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân, biến “ý Đảng - lòng dân” thành khối thống nhất. Từ đó mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đều được người dân nắm rõ, đồng tình, ủng hộ, đây là động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12/12 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Vĩnh Bình đạt chuẩn Đô thị văn minh, huyện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới… đây là minh chứng sinh động, cụ thể nhất cho việc thực hiện thành công quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG, KHẲNG ĐỊNH SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NGƯỜI DÂN

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đều xây dựng chương trình hành động cụ thể và triển khai thực hiện đồng bộ. Nhờ vậy, các nội dung liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân từ quy hoạch sử dụng đất, triển khai công trình hạ tầng, thu chi ngân sách đến bình xét hộ nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội… đều được công khai minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi.
 
Ông Huỳnh Hữu Hồng ngụ tại xã Thành Công tự nguyện hiến 300m2 đất lúa  để  xây dựng tuyến đường liên ấp Bình Hưng-Bình Lạc.

Kết quả của sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động là hàng loạt con số ấn tượng: Từ năm 1998 đến nay, thông qua các mô hình dân vận khéo, đã có hơn 23.800 m² đất đã được người dân tự nguyện hiến để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, tương đương giá trị hơn 100 tỷ đồng; người dân còn đóng góp thêm gần 40 tỷ đồng cho các công trình công cộng. Có hơn 800 công trình lớn, nhỏ được hoàn thành nhờ sự đồng thuận và chung tay góp sức của người dân. Những con số này đã thể hiện sự ủng hộ, động thuận cao của người dân với chủ trương đúng đắn của Đảng, đồng thời còn là minh chứng cho sự phát triển của nền dân chủ cơ sở ở huyện Gò Công Tây.
 
Hội nghị đối thoại trực tiếp nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền xã Long Bình năm 2024.


Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được duy trì thường xuyên, đúng quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người đã được giải quyết ngay từ cơ sở, nhờ sự sâu sát, lắng nghe và tôn trọng tiếng nói người dân. Với phương châm “Mặt trận lắng nghe Nhân dân nói”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến cơ sở đã phát huy vai trò là cầu nối, kịp thời gửi gắm ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc trả lời phản ánh của các ngành, các địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ Mặt trận tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” được quan tâm tổ chức phát động, với nhiều hình thức phong phú, theo hướng trong tâm, trọng điểm, phù hợp với từng địa bàn khu dân cư.

GẮN THỰC HIỆN DÂN CHỦ VỚI CẢI CÁCH, HIỆN ĐẠI HÓA NỀN HÀNH CHÍNH

Một điểm sáng trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở Gò Công Tây là sự gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền. Từ mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” đến ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mọi nỗ lực đều hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tỷ lệ giải quyết đơn thư đúng thẩm quyền ở cấp xã và các cơ quan, đơn vị hàng năm luôn đạt từ 97% trở lên. Các cuộc họp dân, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề được tổ chức linh hoạt, sát với thực tế địa phương và nhu cầu của người dân.

Ở khối các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang, quy chế dân chủ cũng được triển khai đồng bộ và bài bản. Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động tổ chức định kỳ, Ban Thanh tra nhân dân được củng cố và hoạt động có hiệu quả, các nội dung công khai được thực hiện đúng quy định. Tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc trở thành diễn đàn để người lao động thể hiện nguyện vọng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Phát huy những kết quả đạt được trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, trong bối cảnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã có hiệu lực thi hành từ năm 2023, yêu cầu đặt ra cho Gò Công Tây hiện nay là tiếp tục cụ thể hóa quy định pháp luật thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đồng bộ, khả thi và sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc phổ biến phát luật, mà cần làm sâu hơn trong việc giáo dục ý thức pháp luật, giúp người dân hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chú trọng thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tâm huyết, gần dân, trọng dân. Cùng với đó, việc phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp cần tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tránh hình thức; tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải đi vào chiều sâu, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, đầu tư công, chính sách hỗ trợ an sinh, chính sách dân tộc - tôn giáo…, kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.

Hoạt động đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư cần được duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng, trong đó người đứng đầu các cấp phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị và thái độ phục vụ nhân dân. Chú trọng việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng.

Chủ động nắm bắt dư luận, định hướng thông tin, xử lý kịp thời những vấn đề nhạy cảm, đồng thời lồng ghép nội dung phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong công tác tuyên truyền với những minh chứng thực tiễn sinh động tại địa phương, từ đó củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của nhà nước.

Tóm lại, cần xác định rõ thực hiện dân chủ ở cơ sở không phải là mục tiêu tạm thời, mà là động lực lâu dài, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của địa phương. Thực tiễn tại huyện Gò Công Tây cho thấy, ở đâu phát huy tốt dân chủ, thì ở đó có sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, mọi chủ trương quyết sách đưa ra đều được thực hiện thành công. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đây không chỉ là một yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tác giả bài viết: Trần Vũ Thanh Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây