Nghị quyết số 57 đã khẳng định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.
Nghị quyết đã vạch ra lộ trình và giải pháp toàn diện, đồng bộ, mang tính cách mạng sâu sắc. Với mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam thuộc nhóm 03 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới…
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, vấn đề then chốt là phải bắt đầu từ con người, trong đó tiên phong nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ số, cải cách hành chính, nhưng mức độ chuyển đổi số ở nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước vẫn còn chậm. Có nơi còn biểu hiện hình thức, làm để hoàn thành chỉ tiêu báo cáo chứ chưa thực sự lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Một số hệ thống thiết bị, phần mềm đầu tư xong thì để đấy, không vận hành thường xuyên, gây hư hỏng, lãng phí. Nhiều quy trình vẫn cồng kềnh, thiếu liên thông; chỉ mang tính “số hóa” giấy tờ thành dữ liệu điện tử nhưng quy trình, thủ tục vẫn không thay đổi. Ngay cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những người am hiểu quy trình, đôi khi còn phải gặp trở ngại khi làm thủ tục hành chính cho gia đình, người thân thì không khó hình dung người dân sẽ phải chật vật, khó khăn như thế nào. Nguyên nhân sâu xa chính là ở năng lực, tư duy và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tiếp nhận, nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ đổi mới.
Nghị quyết số 57 đã chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện”. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm, quyết định của yếu tố con người. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi đầu trong công cuộc đổi mới; người đứng đầu phải là người dẫn dắt, lan tỏa tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động, chủ động học hỏi, tiếp cận cái mới và thúc đẩy đồng bộ trong cơ quan, đơn vị.
Mỗi cán bộ trong thời kỳ chuyển đổi số không chỉ am hiểu chuyên môn hành chính, nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng số, tư duy số, khả năng làm việc trên nền tảng công nghệ. Phải vượt qua tâm lý e ngại, sợ tiếp cận cái mới, sợ sai, sợ trách nhiệm - vốn là căn bệnh cản trở đổi mới. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị: Thực hiện Nghị quyết 57 trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…”.
Nghị quyết số 57 còn đòi hỏi sự chuyển biến tích cực trong việc đánh giá, sử dụng và đào tạo cán bộ; gắn hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đánh giá thi đua, xếp loại tổ chức Đảng, cán bộ, công chức bên cạnh việc đánh giá mang tính định tính như trước đây. Thông qua việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý công việc, các chỉ số định lượng, cụ thể trong từng vị trí công tác. Ví dụ như: Mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số lượng quy trình nội bộ chuyển sang xử lý trên môi trường số; tần suất sử dụng hệ thống quản lý văn bản, chữ ký số; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng… Trong thời gian tới, chỉ số KPI sẽ dần trở thành công cụ đánh giá quen thuộc đối với cán bộ, công chức, tương tự như trong quản trị doanh nghiệp. Việc áp dụng KPI không chỉ giúp chuyển từ đánh giá cảm tính sang đánh giá định lượng, bảo đảm công khai, minh bạch, lấy hiệu quả phục vụ người dân, chất lượng công việc, mức độ hài lòng và kết quả cụ thể làm thước đo năng lực, trách nhiệm của từng cán bộ.
Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả, các cấp ủy cần phải chú trọng đưa nội dung thực hiện Nghị quyết số 57 vào chương trình hành động, kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát động các phong trào thi đua về “ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo, chuyển đổi số”; tiếp cận và tham gia phong trào “Bình dân học vụ số” - nền tảng cho sự phát triển trong kỷ nguyên số; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có cách làm hay, đồng thời nghiên cứu nhân rộng các mô hình hiệu quả để lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị.
Một trong những nội dung cần phải quan tâm thực hiện đó là đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nếu như trước đây kỹ năng tin học ứng dụng văn phòng là điều kiện cơ bản, thì nay, kỹ năng khai thác dữ liệu, sử dụng các phần mềm quản trị, quản lý công việc trực tuyến, làm việc qua nền tảng số, hiểu biết về an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI)… là điều kiện cần phải có. Việc bồi dưỡng kỹ năng số trong cơ quan Đảng, Nhà nước cũng cần được tổ chức bài bản, phù hợp với từng cơ quan đơn vị, từng vị trí việc làm và thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ…
Tóm lại, với vai trò là một trong “Bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam cho quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thành công của Nghị quyết phụ thuộc vào chính mỗi cán bộ, đảng viên, những người trực tiếp đưa nghị quyết vào đời sống; phải biến khát vọng thành hành động, lấy đổi mới làm phương thức làm việc, lấy kết quả phục vụ người dân làm thước đo hiệu quả. Trong công cuộc đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự là lực lượng đi đầu, là nhân tố quyết định.