Toàn huyện có 12 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, 32 Nhà Văn hóa ấp (liên ấp). Thời gian gần đây, nhiều trung tâm Văn hóa – Thể thao, Nhà văn hóa ấp (liên ấp) trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang hoặc nâng cấp sửa chữa; trang thiết bị được mua sắm mới,…đảm bảo phục vụ cho các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sinh hoạt các Câu lạc bộ, các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ, thu hút được nhân dân đến tham gia sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa – thể thao ở địa phương, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng các danh hiệu văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Đề án 3488 của UBND tỉnh về "Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang", Gò Công Tây là một trong những địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án 3488 của tỉnh. Các hoạt động được tổ chức phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và đạt hiệu quả xã hội tích cực, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Người dân vừa là chủ thể sáng tạo vừa thụ hưởng những giá trị tinh thần mà đề án mang lại, qua đó tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi góp phần nâng cao hiệu quả lao động sản xuất và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhất là từ khi huyện Gò Công Tây được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao được địa phương tổ chức sôi nổi tạo nên không khí sôi động trong đời sống tinh thần của người dân trong huyện.
Nhờ thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, các Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; nhà văn hóa ấp (liên ấp) tổ chức thường xuyên, định kỳ, đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa - thể thao như: giao lưu Đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng, giao hữu bóng đá, bóng chuyền hơi nữ, văn nghệ thiếu nhi, sinh hoạt các câu lạc bộ sở thích…Một số Nhà văn hóa hoạt động tiêu biểu như các Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Bình Nhì, xã Thạnh Trị, xã Yên Luông, xã Long Vĩnh, xã Đồng Thạnh. Ngoài việc thông qua các loại hình sinh hoạt văn hóa - thể thao để nâng cao nhận thức của nhân dân địa phương về giá trị văn hóa - thể thao truyền thống của địa phương; giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, lịch sử văn hóa của vùng đất Gò Công Tây mà còn tập hợp, huy động, phát huy lực lượng làm công tác văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, qua đó duy trì, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sự kế thừa liên tục nhằm đảm bảo cho hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, thị trấn trên địa bàn huyện phát triển bền vững, liên tục.
Xã Long Vĩnh tổ chức giao lưu đờn ca tài tử định kỳ
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao phải được tổ chức định kỳ, nhằm tạo thói quen tham gia sinh hoạt của người dân.
Cụ thể như sau:
- Hàng tháng, mỗi Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức 02 buổi biểu diễn các loại hình văn hóa - văn nghệ và tổ chức 01 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ sở thích.
- Tổ chức 01 cuộc liên hoan văn nghệ cấp xã/năm.
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện tổ chức 01 giải thể thao trên địa bàn (gồm các Trung tâm Nhà Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, thị trấn trên địa bàn tham dự).
Để hoạt động hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các xã, thị trấn với số tiền là 109.000.000đ trên mỗi xã, thị trấn. Cho đến thời điểm hiện tại, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức thành công Đề án 3488 với 156 chương trình đờn ca tài tử, 156 chương trình văn nghệ quần chúng, 156 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ sở thích; kinh phí đã sử dụng là 1.417.000.000 đồng. Ngoài ra, 12/12 xã, thị trấn đã tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ cấp xã, thị trấn. Thông qua chương trình Liên hoan văn nghệ, nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo cổ xưa được tái hiện như múa “bóng rỗi” một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ; tiết mục biểu diễn võ cổ truyền; tiết mục ca vọng cổ; cải lương; tấu hài, các tiểu phẩm nói về đời sống xã hội hay những tiết mục nhảy hiện đại của các em thiếu nhi..... thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Liên hoan văn nghệ quần chúng xã Yên Luông
Tác giả bài viết: Cẩm Giang