Với bản chất ham học hỏi và cầu tiến của người lính Cụ Hồ anh đã bàn với gia đình đầu tư mua 1 xe tải trung để chở hàng thuê để kiếm thu nhập. Không dừng lại ở đó, qua tìm hiểu, học hỏi bạn bè và lên mạng tra cứu thị trường, anh nhận thấy lợi ích của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là rất lớn, phân bón hữu cơ sẽ dần thay thế phân bón vô cơ trong thời gian tới bởi tính an toàn sinh học và giá cả cạnh tranh, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, anh quyết định đầu tư mua 1 máy xay và dùng xe tải của mình đến huyện Cần Đước, tỉnh Long An thu mua vỏ dừa nước và thu mua vỏ dừa ở địa phương đem về ủ mục thời gian ủ từ 6 tháng trở lên, sau đó anh đưa vào máy xay nát làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Qua thử nghiệm nhiều loại cây cho kết quả phát triển tốt. Từ đó anh mạnh dạn mở rộng kinh doanh, rao bán sản phẩm phân hữu cơ ra thị trường theo đơn đặt hàng và bán lẻ từng bao theo yêu cầu người mua.
Nơi ủ phân dừa của anh Chánh
Anh Chánh cho biết bình quân anh xuất 1 tháng khoảng hơn 100 bao, giá bán hiện nay là 55.000 đồng/bao từ 25 - 30 kg. Khách hàng hiện nay của anh là các cơ sở hoa màu, cây trồng và các hộ trồng hoa kiểng ở địa phương. Mới đây anh cũng vừa có 1 đơn đặt hàng của Hợp tác xã cấy mạ khay ở tỉnh Kiên Giang. Với những đơn hàng lẻ của khách hàng ở địa phương anh sẵn sàng giao tận nơi.
Đây là mô hình phân hữu cơ khởi nghiệp đáng chú ý của huyện Gò Công Tây, cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng, phát triển mở ra hướng đi mới cho thị trường phân bón của nông dân huyện nhà. Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, tạo ra các nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì phân bón hữu cơ là yếu tố không thể thiếu, chắc chắn rằng mô hình này sẽ ngày một phát triển và vươn xa.
Tác giả bài viết: Thanh Xuân