Cùng với việc tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Những năm qua, Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Qua đó, không chỉ giúp hội viên từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Huyện Gò Công Tây có 25.235 hội viên nông dân đang sinh hoạt ở 66 chi hội và 556 tổ hội. Hội Nông dân phối hợp với các ngành phát động và tuyên truyền sâu rộng đến chi, tổ hội và hộ nông dân những tiêu chí để đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG)”. Trong năm 2021, có 16.098 hộ nông dân đăng ký SXKDG, tăng 212 hộ so với năm 2020. Hội đã bình xét công nhận có 9.534 lượt hộ nông dân SXKDG các cấp; bình quân hàng năm chiếm 65,47% so với tổng số hộ đăng ký; trong đó, cấp Trung ương 8 hộ, cấp tỉnh 644 hộ, cấp huyện 1.888 hộ, cấp xã 6.999 hộ nông dân.
Trồng rau trong nhà màng
Năm 2021, Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đã xây dựng được 2 chi hội nghề nghiệp ở 2 xã Thạnh Nhựt và Bình Tân với 52 thành viên tham gia; 39 tổ hội nghề nghiệp, với 364 thành viên; vận động các hội viên tham gia với các Mô hình VAC, mô hình sản xuất liên kết (cánh đồng lớn), mô hình sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch), mô hình trồng rau an toàn (trong nhà lưới, nhà màng), mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học đảm bảo môi trường, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ngành, các cấp triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như: Trồng và chăm sóc cây thanh long ở xã Đồng Sơn, Bình Phú; trồng và phát triển cây dừa xiêm chuỗi, cây mai chiếu thủy ở xã Thạnh Nhựt; trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Bình Nhì; trồng lúa cao sản thân thiện với môi trường ở 02 xã Vĩnh Hựu và Thạnh Trị; nuôi bò sinh sản ở xã Bình Nhì, Thạnh Trị; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…Các chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đánh giá bước đầu, một số tổ, chi hội nghề nghiệp đã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo được kết quả thiết thực. Việc đổi mới mô hình chi hội, tổ hội được hình thành trên cơ sở cộng đồng dân cư nông nghiệp, nông thôn sang mô hình tổ chức chi hội, tổ hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chính là giải pháp cụ thể, chủ động, bảo vệ hội viên nông dân trong môi trường cạnh tranh.
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học – công nghệ, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều giải pháp kỹ thuật của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống; với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Trong đợt dịch Covid – 19, Hội còn chủ động vừa tập trung phòng, chống dịch vừa hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản. Hội hướng dẫn các hộ nông dân liên hệ với các nơi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tìm đầu ra cho nông dân, kết quả có 2.214 tấn nông sản được các hợp tác xã, các đầu mối thu mua trong và ngoài huyện, giải cứu được nông sản do nông dân làm ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Thơm – Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đề nghị: Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, cần chú trọng hỗ trợ về khoa học kỹ thuật mới, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, quan trọng nhất là cần có chính sách tạo đầu ra ổn định cho người nông dân. “Hiện nay, nông dân làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng đầu ra không ổn định” – đồng chí chia sẻ.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà hội viên, nông dân gặp phải khi phát triển kinh tế là nguồn vốn. Đồng chí Nguyễn Văn Thơm cho biết: "Trước đây, trong huyện nhiều hộ nông dân luôn băn khoăn, trăn trở về nguồn vốn để mở rộng sản xuất thì nay, vấn đề vay vốn đã được đáp ứng đáng kể với sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội Nông dân đã từng bước giúp đỡ các hội viên, nông dân trong vấn đề vốn vay, kỹ thuật, giúp mở rộng các mô hình kinh tế, đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân ". Năm 2021, Hội vận động Quỹ hỗ trợ nông dân 340 triệu đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân gần 6 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay các dự án chăn nuôi, trồng trọt. Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách khác vay từ các nguồn, dư nợ đến nay là 76,72 tỷ đồng/ 2.556 hộ vay.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu, ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn. Các cơ sở Hội cũng thường xuyên đến các hộ vay để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Đồng chí Nguyễn Văn Thơm cho biết: “Gò Công Tây vận động Quỹ hỗ trợ nông dân đạt tỷ lệ khá cao, gần 340 triệu đồng trong năm 2021, đạt 100 % chỉ tiêu. Để đạt được kết quả đó, Hội Nông dân huyện tranh thủ từ sự chỉ đạo, ủng hộ của UBND huyện và các nguồn lực xã hội khác. Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần giải quyết phần nào về nhu cầu nguồn vốn cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế”.
Với sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân các cấp, đến nay nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, số lượng hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tăng đều qua các năm, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, hội viên nông dân đã thay đổi tư duy, cách làm, tự tin trong lao động sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc thoát nghèo bền vững.
Tác giả bài viết: Kiều Tước Nguyên