Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gò Công Tây - chặng đường 20 năm đồng hành cùng người dân góp phần xây dựng phát triển quê hương

Thứ hai - 18/07/2022 21:54

Thực hiện Nghị định số 78 ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gò Công Tây đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách và được đánh giá là nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, giúp người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hoạt động cho vay hỗ trợ người dân
Hoạt động cho vay hỗ trợ người dân
Huyện Gò Công Tây là huyện nông nghiệp. Diện tích tự nhiên 184,48 km2, huyện Gò Công Tây có 13 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Vĩnh Bình và 12 xã; dân số toàn huyện đến cuối năm 2021 là 36.662 hộ; số hộ nghèo đa chiều cuối năm 2021 là 503 hộ, chiếm tỷ lệ 1,37%; số hộ cận nghèo 696 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90% số hộ toàn huyện. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây được thành lập theo Quyết định số 636/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Kể từ khi được chính thức thành lập, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể nhận ủy thác và đảm bảo việc giải ngân được tiến hành một cách nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 230 tỷ 357 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 99,48% trên tổng dư nợ toàn huyện, dư nợ ủy thác tăng 216 tỷ 135 triệu đồng so với khi thành lập (năm 2003 là 14 tỷ 222 triệu đồng), nguồn vốn nhận ủy thác tăng trưởng gần gấp 16,2 lần qua 20 năm.

Sau 20 năm thực hiện, hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 694 tỷ 450 triệu đồng với 62.713 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn (trong đó hộ nghèo 122 tỷ 632 triệu đồng, với 12.841 lượt hộ nghèo được vay vốn), doanh số cho vay bình quân mỗi năm là 36 tỷ 550 triệu đồng (3.300 lượt hộ).

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp cho 62.713 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, có 10.097 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho 4.487 lao động có việc làm, hỗ trợ vốn vay cho 4.141 em học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường, gần 15.788 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, 517 căn nhà được cải tạo, xây mới cho hộ nghèo, 08 căn nhà cho vay đối tượng nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Có thể khẳng định 20 năm triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, từ đó góp phần cùng với địa phương thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt với việc triển khai mô hình huy động tiết kiệm dân cư ngay tại điểm giao dịch xã là việc làm mới, thể hiện sự nỗ lực của NHCSXH trong việc huy động nguồn lực xã hội, vừa tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tham gia gửi và rút tiền, đồng thời tạo nên sự chủ động về vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi.

Hoạt động gửi tiền vào NHCSXH thể hiện tính nhân văn sâu sắc, hình thành ý thức tiết kiệm trong người dân, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi, tạo thu nhập cho người gửi tiền và giúp NHCSXH có thêm nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đến nay toàn huyện có 13 Điểm giao dịch xã theo lịch cố định, đặt trong khuôn viên của UBND 13/13 xã, thị trấn. Trên 98% các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến tín dụng chính sách xã hội (thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn...) đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã.

Đây là hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; hoạt động của Điểm giao dịch xã đã góp phần đưa đồng vốn về tận cơ sở, giảm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong hoạt động tín dụng chính sách.

Nhìn chung, qua 20 năm triển khai Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chúng ta có thể khẳng định rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là phù hợp với thực tiễn, phù hợp lòng dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng suốt 20 năm qua, đã cho thấy Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây ngày càng đóng vai trò quan trọng, đi đầu trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây