Huyện Gò Công Tây, “Câu chuyện sản phẩm” nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Thứ năm - 08/05/2025 23:07
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch số 380/KH-UBND ngày 07/12/2022 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Công Tây đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND huyện thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Chả Huế Phú Gia
Chả Huế Phú Gia
Mục tiêu là “Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”. Thời gian qua, huyện Gò Công Tây đã tổ chức triển khai thực hiện và được công nhận 51 sản phẩm OCOP (trong đó 21 sản phẩm 04 sao, 30 sản phẩm 03 sao), đã giúp sản phẩm vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ thể sản xuất kinh doanh. Mỗi sản phẩm OCOP là ấn tượng đặc sắc, mang sắc thái của địa phương – là 01 câu chuyện, đó là “Câu chuyện về sản phẩm OCOP”, góp phần vào một trong những tiêu chí để sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Trước hết, là câu chuyện sản phẩm về gạo của vùng đất Gò Công – “Hạt ngọc quý từ đất trời” với sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, như: Gạo Vinh Hiển là khát vọng vươn xa của nông sản Tiền Giang, là đại diện cho cam kết “3 KHÔNG”: không hoá chất, không tạo mùi, không chất bảo quản. Với ba dòng sản phẩm tiêu biểu: (1) Gạo trắng Đỗ Quyên 5451: hạt dài, trắng trong, cơm chín dẻo và thơm. (2) Gạo lứt Nàng Hoa: giữ nguyên lớp cám, bổ dưỡng, giàu vi lượng. (3) Gạo Khổng Tước Nguyên: giống gạo tiến vua, quý hiếm, đẹp từ tên gọi đến chất lượng.
 
san pham ocop go cong tay (4)

Cùng với khí hậu nhiệt đới ổn định, hệ sinh thái đa dạng của vùng đất Gò Công vốn có rất là nhiều loài sinh vật sinh sống, trong đó có loài chim yến. Và đó là “Câu chuyện về sản phẩm OCOP” của “Yến Gia Tường” – “Yến Phước Hùng” và “Yến Hùng Hậu” với 04 sản phẩm OCOP từ yến thô, yến tinh chế, yến hủ chưng sẵn đều được làm thủ công, không hóa chất, giữ trọn giá trị nguyên bản, giàu dinh dưỡng và chứa đến 18 loại axit amin quý.
 
san pham ocop go cong tay (5)

Từ câu nói của ngoại “Nghề mắm truyền thống không bao giờ mất, mất lấy gì người ta ăn, người dùng không thể thiếu món ăn ngon, người đi đánh bắt cá tôm cũng nhờ vào nghề mắm, nghề mắm là truyền kiếp”, cơ sở sản xuất mắm “Bà Hai Diễm” với 3 đời làm mắm cùng hơn 80 năm kinh nghiệm đã hình thành nên “Câu chuyện về sản phẩm OCOP” (cơ sở được tách ra từ cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Gò Công từ tháng 9 năm 2018 đến nay) – Một món ăn không thể thiếu và thường xuất hiện trong các bữa ăn của người Gò Công, với 05 sản phẩm OCOP, được sản xuất hoàn toàn thủ công, không hóa chất, luôn chú trọng đến vệ sinh và giữ trọn vị xưa. Đầu tiên phải kể đến đó là “Mắm tôm chua” - làm từ tôm sống, rửa sạch, ướp gia vị, lên men tự nhiên. Kế đến là “Mắm cá cơm” - cá chắc, vị đậm, dùng chấm hoặc kho và “Mắm ruốc” kết hợp từ phần thịt tôm còn sót, tạo nên hương thơm ngào ngạt và vị béo độc đáo. Có thể nói các món ăn từ mắm nếu “không ăn thì không biết, ăn rồi thì không cưỡng lại được”.
 
san pham ocop go cong tay (1)

Vừa là món ăn quen thuộc, gần gũi; vừa là món ngon ngày Tết và kế thừa truyền thống. Đó là “Câu chuyện về sản phẩm OCOP” của “Chả Huế Phú Gia” – “Chả lụa Thịnh Phát” – “Nem chua, Chả lụa Như Ý” và “Lạp xưởng Tý Ngọc” với 05 sản phẩm đạt OCOP. (1) Kế thừa truyền thống Phố Hiến – Thăng Long, được giã tay, gói lá chuối tươi; Khi cắn miếng chả lụa, người ăn sẽ cảm nhận sự ngọt ngào, dẻo dai và thơm lừng rất hấp dẫn, đó là “Chả lụa Thịnh Phát”. (2) Chả Huế Phú Gia - Món chả mang hương vị cố đô, được làm từ thịt nạc chọn lọc, không chất bảo quản, gói lá chuối, hấp cách thuỷ, dai – giòn – cay – ngọt hài hòa. (3) Nem chua – Chả lụa Như Ý: từ Bình Định vào Gò Công, Như Ý vẫn giữ nghề cha truyền, mẹ dạy; nem lên men tự nhiên, vị chua - cay - mặn - ngọt hoà quyện. (4) Món ngon ngày Tết miền Tây, không hàn the, ủ bằng gió trời 3-4 ngày, đỏ au màu điều, vị ngọt thơm đặc trưng khó quên của Lạp xưởng Tý Ngọc.
Xã Bình Tân là một trong các xã cuối nguồn huyện Gò Công Tây, nằm trong vùng ngọt hoá Gò Công, trước đây là vùng ngập mặn chỉ sản xuất được 01 vụ lúa, sau khi được ngọt hoá đã sản xuất được 03 vụ lúa, bà con chuyển sang trồng màu nhất là các loại rau ăn lá, sau khi ngọt hoá các khoáng chất sau khi rửa mặn đã còn lại trong đất tạo nên thổ nhưỡng phù hợp các loại cây rau ăn lá, đặc biệt là cây cải thìa. Cải thìa của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hoà Thạnh “sạch – an toàn – chất lượng”; cải có mùi đặc trưng riêng, ngọt hơn, giòn hơn; đạt chuẩn VietGAP, là sản phẩm OCOP nổi bật về nông sản an toàn, hướng đến sức khoẻ cộng đồng.
 
san pham ocop go cong tay (2)

Ban đầu, mẹ chỉ làm bánh cho những đứa con thơ; rồi dần dà mời bà con hàng xóm, láng giềng ăn thử; niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự say mê hiện diện trong đôi mắt của mẹ khi cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon, phục vụ mọi người – những khách hàng đầu tiên; cứ như vậy - mẹ cứ "túc tắc" giữ nghề, đến nay đã hơn 30 năm! Đó là “Câu chuyện về sản phẩm OCOP” của Cơ sở sản xuất Bánh quy dừa Xuân Phúc - uy tín, chất lượng, mang đậm hương sắc riêng của xứ Gò Công - Tiền Giang, mà vẫn giữ trọn sự chân thành, tình yêu niềm say mê trong từng chiếc bánh. Mỗi chiếc bánh như một lời thủ thỉ ngọt ngào từ ký ức tuổi thơ Gò Công.

“Câu chuyện về sản phẩm OCOP” của Công Ty TNHH VINAXO của anh Nguyễn Tấn Khoa – Người con sinh ra và lớn lên tại huyện Gò Công Tây, hướng đến nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng sau thu hoạch, chế biến sản phẩm trái cây tươi nhằm bảo quản được lâu hơn, giúp người nông dân an tâm sản xuất mà không phải lo về giá cả, thị trường. Sản phẩm được xử lý qua các công đoạn sấy nhiệt, sấy lạnh sẽ giúp cho sản phẩm giữ được hàm lượng dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, màu sắc, hương vị nguyên chất đặc trưng riêng của trái cây Việt Nam, vùng miền nhiệt đới. Xuất phát từ ưu điểm đó mà các sản phẩm của VINAXO đã được thị trường trong và ngoài nước quan tâm, ưa chuộng với 03 sản phẩm đạt OCOP (Xoài xấy, Mít xấy và Thanh Long xấy).

Thực hiện sứ mệnh: Mang lại những sản phẩm tươi sạch và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đáp ứng kịp thời nhu cầu đến khách hàng, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn được trồng hữu cơ và ưu tiên tiêu thụ nguồn nguyên liệu của địa phương như gạo lứt, đậu các loại là “Câu chuyện về sản phẩm OCOP” của Trà Túi Lọc Tiến Hảo với 01 sản phẩm đạt OCOP.

“Câu chuyện về sản phẩm OCOP” không chỉ là 01 sản phẩm OCOP, mà còn là một trong những nội dung trong chương trình phát triển kinh tế, phát huy nội lực, trí tuệ, sự sáng tạo, mang tính thương hiệu đặc trưng của địa phương; là nơi lưu giữ kỉ niệm; mỗi sản phẩm là một hành trình, một câu chuyện. Làm Sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là được chứng nhận – mà còn là tinh thần khởi nghiệp; sự tâm quyết của những Người con sinh ra, lớn lên và đang sinh sống tại huyện Gò Công Tây với khát vọng mang sản phẩm đặc trưng truyền thống của quê hương huyện Gò Công Tây cho bạn bè trong và ngoài tỉnh thưởng thức – Để cảm nhận những “Câu chuyện về sản phẩm OCOP”; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Tác giả bài viết: Kim Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây