Huyện Gò Công Tây: Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

Thứ năm - 21/07/2022 04:34

Trong 02 ngày 21 và 22/7/2022, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Gò Công Tây tổ chức kết nối Hội nghị trực tuyến triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII cho toàn thể cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, các chi, đảng bộ trực thuộc trong toàn huyện.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Huyện ủy
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Huyện ủy

Tại huyện Gò Công Tây, Hội nghị trực tuyến được kết nối tại 20 điểm cầu gồm: Hội trường Huyện ủy, Hội trường UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện, 04 trường THPT trên địa bàn (THPT Vĩnh Bình, THPT Nguyễn Văn Thìn, THCS-THPT Đoàn Trần Nghiệp, THCS-THPT Long Bình) và các điểm cầu tại 12 xã và thị trấn Vĩnh Bình.

Hội nghị trực tuyến diễn ra trong 1,5 ngày, các đại biểu sẽ được học tập, quán triệt, các chuyên đề gồm: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ truyền đạt;
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt; “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ truyền đạt; “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt.
 

Báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, có sức ảnh hưởng đến hiện tại, tương lai. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai cần được tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.


Cũng trong buổi sáng ngày 21/7 các đại biểu được nghe báo cáo chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Trung ương yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2022 và các năm tiếp theo; tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây