Buổi tập huấn được tổ chức tại trụ sở ấp Thạnh Thới và đã thu hút được hơn 30 hộ nông dân trồng dừa tham dự. Tại đây, bà Trần Thị Tuyết Nhung cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn cụ thể về giải pháp phòng trị và biện pháp hóa học. Cụ thể như sau:
Giải pháp phòng ngừa: Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa; cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá khô trên cây dừa và cây ký chủ (cau, cọ, chuối...). Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại. Bón phân cân đối, nên chia làm nhiều đợt bón trong năm. Không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan. Kiểm tra cây giống trước khi trồng, nếu phát hiện sâu đầu đen gây hại phải tiêu hủy ngay tránh phát tán sâu hại ra diện rộng.
Giải pháp trị: biện pháp sinh học qua sử dụng nguồn thiên địch: ong ký sinh (ký sinh trên nhộng và ấu trùng), bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kim và một số thuốc trừ sâu sinh học; nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) nhằm kiểm soát mật số sâu đầu đen hại dừa.
Biện pháp hóa học: đối với vườn dừa sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ: cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá bị hại nặng nhằm giảm một số sâu hại, đặc biệt nhộng. Không sử dụng biện pháp hóa học, chỉ sử dụng biện pháp sinh học.
Đối với vườn dừa sản xuất thông thường: cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc.
Đối với vườn dừa trồng xen cây ăn trái kết hợp nuôi cá, tôm: sử dụng thuốc chứa hoạt chất ít gây ảnh hưởng đến môi trường: Azadirachtin (Super Fitoc 10EC liều lượng 16ml/bình 25 lít nước, Vineem 1500 EC liều lượng 100 ml/bình 25 lit nước, Kozomi 0.15 EC, Minup 0,3EC). Đối với vườn dừa trồng chuyên: sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu chứa hoạt chất: Abamectin (Abagold 65EC, liều lượng 20ml/bình 25 lít nước; Abagro 4.0EC liều lượng 25ml/bình 25 lít nước; Abatin 5,4EC liều lượng 22ml/bình 25 lít nước, Acimetin 5EC liều lượng 22ml/bình 25 lít mước...).
Cũng tại buổi tập huấn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng đã phổ biến, hướng dẫn cho bà con biết kỹ thuật trồng, chăm sóc; quản lý sâu bệnh hại; các biện pháp tổng hợp để bảo vệ vườn dừa…. Đồng thời, khuyến khích nông dân thay thế việc sử dụng thuốc hóa học bằng các biện pháp sinh học nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Từ đó hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.