Tại buổi tham quan mô hình, chị Lê Ngọc Tuyến đã chia sẻ với các chị, em hội viên phụ nữ về cách làm chuồng nuôi bồ câu; cách lựa chọn, phối trộn thức ăn cũng như kinh nghiệm chăm sóc bồ câu. Hiện tại, gia đình chị Tuyến đang nuôi 300 cặp bồ câu. Theo chia sẻ của chị Tuyến, bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Chuồng nuôi bồ câu cần đảm bảo thông thoáng, có đủ ánh sáng, có mái che.Trong quá trình nuôi, bồ câu sẽ được chia theo từng cặp (1 trống – 1 mái) trong lồng riêng để dễ quản lý chăm sóc giúp bồ câu mau lớn, đồng thời tăng hiệu quả sinh sản. Mỗi năm bồ câu có thể đẻ từ 8 – 10 lứa. Sau khi đẻ nuôi khoảng 30 ngày là có thể bán bồ câu thương phẩm. Hiện tại, trung bình mỗi tuần gia đình chị bán cho các thương lái ở Thị xã Gò Công từ 20 – 30 cặp bồ câu thương phẩm với giá 90.000 đồng/cặp. Bồ câu giống thì có giá từ 200 – 250.000 đồng/cặp. Ngoài ra, chị còn tận nguồn phân bồ câu để bán với giá 10.000 đồng/bao, dùng để bón cho cây trồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình nuôi bồ câu thương phẩm giúp gia đình chị Tuyến thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Trại nuôi bồ câu của chị Lê Ngọc Tuyến ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông
Qua buổi tham quan, đã giúp các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Yên Luông tìm hiểu, có thêm thông tin về mô hình làm kinh tế từ đó khơi gợi tính sáng tạo, ý tưởng làm kinh tế của hội viên phụ nữ. Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông cũng đã trao tặng 05 cặp bồ câu giống cho 01 hội viên phụ nữ khó khăn Chi hội ấp Long Bình để thực hiện mô hình góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Tác giả bài viết: Quốc Nam