Trẻ em trong độ tuổi từ 4-12 tuổi mặc dù được gia đình và nhà trường bảo vệ, bao bọc nhưng sự bảo vệ đó cũng không thể an toàn tuyệt đối. Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ hiểu và biết được cách bảo vệ mình, tránh rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Dạy trẻ kỹ năng cần thiết có thể bảo vệ an toàn cho trẻ tốt hơn, song bố mẹ vẫn nên cảnh giác cao độ trước những nguy hiểm có thể đe dọa đến trẻ ở xung quanh mình để có biện pháp phòng tránh kịp thời. Hãy dành thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn vì có rất nhiều trường hợp, những điều không may xảy ra với các bé vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Tại buổi truyền thông, các chị được nghe chị Nguyễn Thị Tuyết An – Chủ tịch Hội LHPN xã triển khai các nội dung như: kỹ năng an toàn đối với mối nguy hiểm từ một số vật dụng trong gia đình như ổ điện, phích nước, bếp gas,…; kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể từ người lạ hoặc có thể từ chính những người quen biết; kỹ năng ứng phó khi bị lạc, khi bị người lạ dụ dỗ, phòng tránh bắt cóc; kỹ năng khi tham gia giao thông, kỹ năng tránh đuối nước…
Đồng thời các chị được triển khai một số nguyên tắc khi dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân như: thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ, tạo niềm tin trong trẻ; khi trẻ sai nên giải thích cho trẻ, không nên quát mắng; tập thói quen cho trẻ hiểu về nguyên nhân – kết quả; sử dụng đóng kịch để giúp trẻ hiểu được những tình huống và cách giải quyết tình huống; đưa ra những quy tắc an toàn và không an toàn, được phép và không được phép. Bên cạnh đó, cung cấp những đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em: 111, 113, 1900545559, 18009069… để các chị biết, phòng khi cần đến sự hỗ trợ.
Thông qua buổi truyền thông đã giúp chị em hiểu rõ: Kỹ năng bảo vệ bản thân là một trong những kỹ năng xuất hiện sớm, được hoàn thiện trong một quá trình lâu dài và theo chúng ta suốt cuộc đời. Do vậy, việc rèn luyện cho con các kỹ năng này sẽ là hành trang quan trọng giúp con tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại.
Tác giả bài viết: Tuyết An