Tại buổi truyền thông, các chị em hội viên phụ nữ được tìm hiểu các nội dung về phòng chống tai nạn giao thông, tình hình an toàn giao thông hiện nay, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông và các giải pháp hạn chế, khắc phục tai nạn giao thông. Thông qua việc tuyên truyền cụ thể sinh động bằng mô hình tháp cây an toàn, các chị em đã hăng hái tham gia trả lời các câu hỏi, nêu bật được vấn đề làm sao để đảm bảo an toàn giao thông, về áp dụng tại gia đình mình.
Đứng trước vấn đề rác thải ngày càng gia tăng làm ô nhiễm môi trường, đây là một vấn đề quan trọng mà chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Mô hình xử lý rác thải tại nguồn của hội viên Lê Thị Thu Thủy được mọi người trong ngoài xã biết đến và tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hội viên Lê Thị Thu Thủy của Chi hội ấp Thạnh Phong đã hướng dẫn cho các chị em hội viên cách thức áp dụng thực hiện phân loại xử lý rác thải tại nguồn mà hơn 1 năm nay gia đình chị áp dụng thực hiện rất đơn giản và hiệu quả. Trong gia đình chị có 3 bao lớn để phân loại rác, loại rác thải chai nhựa, đồ mủ, sắt, nhôm, thiếc, chị cho vào 1 bao lớn để dành bán phế liệu, bao thứ 2 chị để chứa rác thải là bóng đèn, hoặc mảnh chai, thủy tinh bể, bao thứ 3 chị bỏ vào bao nilon, quần áo vải cũ và thu gom ra vườn cách xa nhà đào hố đốt. Đáng chú ý hơn cả, từ khi có chủ trương phát động của Hội Phụ nữ cấp trên về xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh, chị Thủy đã về nghiên cứu thực hiện ngay tại hộ gia đình mình. Không cần cầu kỳ hay phải hao tốn chi phí nhiều. Chị chọn lấy 2 khạp tương loại lớn có nắp đậy kín, dưới đáy khạp, chị khoan một lỗ nhỏ vừa phải và chuyền một ống nhỏ để dẫn nước rỉ hứng xuống chum nhỏ bên dưới. Hằng ngày khi nấu ăn chị cho tất cả các loại vỏ rau củ quả như vỏ mít, bầu, bí, mướp,…vào khạp tương, rồi rải đều lên trên một ít men vi sinh Tricophecma rồi đậy nắp kín. Một 1 bịch men vi sinh chị có thể sử dụng ủ rác hữu cơ được hơn 3 tháng. Chu kỳ trung bình cứ sau 1 tuần khạp vỏ rau củ đầy lên, cũng là lúc vỏ rau củ bên dưới phân hủy cho ra nước phân bón hữu cơ. Chị pha loại nước đậm đặc này ra bình làm loãng ra rồi tưới cây. Sau khi vỏ rau củ đã hoai mục hết, chị chỉ cần xúc hết lớp phân đã ủ mục này ra đắp vào các gốc cây thì cho kết quả cây trồng tươi tốt, từ khi áp dụng mô hình xử lý phân hủy rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, chị không còn tốn tiền mua phân bón hóa học như trước mà vườn cây trái nhà chị vô cùng tươi tốt, ai đến tham quan cũng trầm trồ khen ngợi.
Tham quan vườn rau được bón phân hữu cơ ủ từ rác của chị Thủy
Tham quan vườn rau, cây ăn trái nhà chị Thủy, thật sự bất ngờ với đa dạng các loại rau sống như: rau diếp cá, rau răm, xà lách, húng cây, hành lá, hẹ, loại rau này cũng tươi tốt, xanh mơn mởn. Chị còn sưu tầm các loại cây ăn trái độc đáo nhập ngoại như: Chery, Mâm xôi,…đem về trồng và cho trái tươi tốt. Xung quanh vườn, chị còn trồng thêm nhiều chậu cà tím, dưa leo, bí đao, nhờ được thường xuyên chăm bón phân hữu cơ tự nhiên đúng cách mà khu vườn rau của chị cung cấp rau đầy đủ quanh năm cho gia đình và bà con xung quanh ai cũng ưa thích rau sạch không thuốc hóa học của chị Thủy. Chị Thủy tâm sự, hồi đợt dịch Covid 19 bùng phát năm vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội chị có nhiều thời gian rảnh nên quyết tâm áp dụng việc ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh, thấy được hiệu quả, an toàn, khu vực thùng ủ rác không có mùi hôi, nên chị quyết tâm áp dụng và hướng dẫn cho nhiều chị em hội viên trong chi hội cùng nhau thực hiện. Trong khu vườn nhà chị Thủy, tuy là một ấp cách xa đường lộ lớn, qua nhiều hẻm ngoằn ngoèo, xe lấy rác chưa vào đến được, nhưng với bản tính chịu khó, “làm riết quen” chị Thủy đã sắp xếp việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn gọn gàng, khoa học, rất đáng để biểu dương, khen thưởng, học tập và nhân rộng mô hình này.
Không những thế, tuyến đường hoa có chiều dài hơn 1km dẫn vào nhà chị còn do chị đứng ra vận động các chị em hội viên trong ấp cùng làm cỏ dọn rác sạch sẽ, hai bên đường đủ các loại hoa mười giờ, hoa mào gà, hoa dừa cạn cho bông tươi thắm. Những việc làm tưởng như bình thường, nhưng không phải ai cũng làm được của chị Thủy đã làm mọi người khâm phục. Những buổi chiều tà mát mẻ, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị Thủy lại đi thăm vườn, nhổ cỏ, bón phân hữu cơ cho vườn rau, trái cây; rồi chị lại xắn tay áo ra làm cỏ, trồng dặm thêm nhiều bông hoa vào các chỗ còn trống, để cả tuyến đường phủ kín sắc hoa. Nhiều người thắc mắc tại sao chị lại thích dọn cỏ trồng hoa đến vậy, chị Thủy chỉ trả lời đơn giản vì chị yêu thích thiên nhiên, yêu thích bông hoa, cây trái cây trái làm đẹp cho đời, thì bỏ chút công sức ra để làm cho mình ngắm nhìn hưởng thụ vô cùng xứng đáng. Được dịp đến đây tìm hiểu, tham quan, tận mắt chứng kiến cách làm hay, sáng tạo của hội viên phụ nữ tin tưởng rằng mô hình này sẽ được lan tỏa, mọi người dân đều hiểu và cùng thực hiện để xây dựng cuộc sống thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam