Người dân lưu ý cảnh giác việc đưa thông tin giả, sai sự thật trên trang mạng xã hội

Thứ hai - 17/02/2025 04:16
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội có một số cá nhân đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin, tin đồn thất thiệt, sai sự thật và lan truyền nhanh chóng, gây tác hại, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân.
Người dân lưu ý cảnh giác việc đưa thông tin giả, sai sự thật trên trang mạng xã hội
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, người dùng Internet đều có thể sở hữu những tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Zalo... và có không ít tài khoản mạng xã hội thu hút được hàng triệu người theo dõi. Đây là một trong những kênh để cung cấp, chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm, nhu cầu, sở thích của cá nhân,... phục vụ có hiệu quả nhu cầu kết nối, trao đổi của cá nhân và mạng xã hội hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng chính là môi trường mà các đối tượng xấu lợi dụng để đưa các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hoạt động lợi dụng mạng xã hội, để đưa thông tin giả, thông tin sai sự thật của các đối tượng thường nhằm vào các mục đích sau: Bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước, cán bộ đảng viên và lực lượng vũ trang; kêu gọi, kích động biểu tình phá rối an ninh, trật tự; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán vi rút; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động đồi trụy, bạo lực... Có thể thấy rằng các hoạt động trên đã tác động tiêu cực đến nhận thức của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Để góp phần ngăn chặn hậu quả, tác động của các hoạt động trên, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ, đăng tải thông tin, ý kiến về vấn đề, sự vật, hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội, không phát ngôn cảm tính, không đưa ra phán xét tùy tiện, không cung cấp thông tin chưa được kiểm chứng và nghe theo sự lôi kéo, kích động của các đối tượng và phần tử xấu. Mọi hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt..., các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, trường hợp xử lý hành chính:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng nhóm hành vi vi phạm thông tin trên mạng sau đây:

- Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 99).

- Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 100).

- Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (điểm a, khoản 1, Điều 101); cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (điểm d, khoản 1, Điều 101) sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

- Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điểm n, khoản 3, Điều 102).

Thứ hai, trường hợp xử lý hình sự:
- Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội có thể đến 07 năm tù và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nếu có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Khoản 1, Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây