Mục tiêu của việc phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là thay đổi thói quen và ý thức của cộng đồng trong việc phân loại và xử lý chất thải rắn đúng quy định nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững, giảm nguy cơ về ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp rác không được phân loại ra, kéo dài thời gian sử dụng của bãi chôn lấp, tận dụng được các thành phần có ích trong rác thải sinh hoạt thông qua tái chế, tái sử dụng. Góp phần từng bước thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi phí ngân sách nhà nước cho hoạt động môi trường, nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải. Đối tượng tham gia là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên đia bàn huyện, các cơ quan, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp đang đóng trụ sở trên địa bàn huyện.
Phương pháp phân loại chất thải rắn như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (rác vô cơ tái chế) là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như: giấy, kim loại, các loại nhựa, ni lon, cao su….. chất thải thực phẩm (rác hữu cơ) là loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên, sinh ra mùi hôi thối như vỏ trái cây, lá cây, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, rác nhà bếp, xác động vật, phân chăn nuôi ..... chất thải rắn sinh hoạt khác (rác vô cơ không tái chế) là những loại rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế như: hộp xốp, sành, sứ, gốm, thuỷ tinh bể các loại, quần áo, giày dép, xương động vật…. cách xây dựng hố rác vị trí đặt hố rác trong vườn, môi trường đất, không quá khô hay quá ẩm ướt, cách xa nơi ở để đảm bảo môi trường, sâu từ 0.7 - 1,5 m, đường kính khoảng 0,6 - 1 m, có nắp đậy để ngăn mùi từ hố thoát ra. Rác hữu cơ hàng ngày được đổ vào hố, sau đó rắc một lượt mỏng chế phẩm sinh học Trichoderma có tác dụng phân huỷ và không gây mùi hôi, hoặc đất hay tro trấu rãi lên một lớp khoảng 2-5 cm và đậy nắp để tránh ruồi, muỗi, chuột, nước mưa…
Đối tượng tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn gồm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm gương, tất cả người dân, các doanh nghiệp, tiểu thương, chợ, cơ quan hành chính, trường học… trên địa bàn huyện. Đặc biệt cần nâng cao vai trò của phụ nữ và học sinh trong công tác tuyên truyền kế hoạch, vì đây là đối tượng chính thực hiện việc phân loại rác tại từng hộ gia đình. Thông qua các tổ chức, Hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các trường học, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn quy trình, cách thức phân loại và xử lý rác thải. Công tác tuyên truyền thông qua Đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn, thông qua cộng tác viên tuyên truyền, tờ rơi, pano, áp phích trên các tuyến đường, góp phần nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải. Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt đạt trên 95 % và đạt tỷ lệ 100 % đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý chất thải rắn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quyền