Chiều 04-5, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Báo cáo về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 05/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 05/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2: bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/6/2025.
Xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 03 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 08 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 06 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, như: xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025; xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có); Xem xét, quyết định vấn đề quan trọng trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và vấn đề quan trọng khác (nếu có)…
Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 từ 06/5 - 05/6/2025
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh đây là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 02 nhóm nội dung, đó là quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng); quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian 30 ngày, từ 06/5 - 05/6/2025.
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) sẽ tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên khai mạc, phiên bế mạc Kỳ họp; các phiên thảo luận ở hội trường về: kinh tế xã hội; ngân sách nhà nước; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; các phiên biểu quyết thông qua: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.